|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhân viên cũ tố Microsoft chi hàng trăm triệu USD để hối lộ, giành hợp đồng khủng

15:33 | 28/03/2022
Chia sẻ
Một cựu giám đốc tại Microsoft tố cáo công ty này chi hàng trăm triệu USD mỗi năm để hối lộ chính quyền nước ngoài, nhờ đó giành được các hợp đồng lớn. Đáng chú ý, người này còn cho biết ông đã bị đuổi việc sau khi lên tiếng về hành vi này.

 Microsoft bị cáo buộc hối lộ và ăn chia ở nhiều quốc gia. (Ảnh: ZDNet).

Theo tờ Engadget, cựu giám đốc Microsoft, Yasser Elabd mới đây vừa có một bài đăng tố cáo công ty cũ đã sa thải ông sau khi nhân sự này báo cáo cấp trên về những mối nghi ngờ về các khoản chi bất thường của công ty ở nước ngoài. Đồng thời, Elabd cũng cho rằng hành động này đã khiến ông trở thành mối họa và cần được loại bỏ trong mắt các lãnh đạo ở Microsoft.

Elabd cho biết ông đã làm việc cho Microsoft từ năm 1998 đến 2018 và thực hiện vai trò giám sát một quỹ đầu tư nhằm củng cố các khoản giao dịch đầu tư dài hạn ở Trung Đông và châu Phi. Nhưng càng tìm hiểu, ông càng nghi ngờ về các khoản thanh toán bất thường cho các đối tác ở nước ngoài, điều dường như nằm ngoài tiêu chuẩn của công ty. Ông nghi ngờ đó là khoản hối lộ chứ không phải giao dịch bình thường. 

Sau khi thông qua một vài cuộc kiểm toán độc lập, Elabd phát hiện ra đây là một thực tế phổ biến ở Microsoft: Cứ mỗi khi hoàn tất một đợt bán hàng lớn cho các công ty trong khu vực, một khoản "chiết khấu" sẽ được đưa vào.

“Một email từ những người thuộc bộ phận có thẩm quyền với khách hàng sẽ được gửi tới Microsoft yêu cầu giảm giá, điều này sẽ được chấp thuận, nhưng khách hàng cuối cùng không được giảm mà vẫn phải trả toàn bộ phí. Sau đó, số tiền chiết khấu sẽ được chia cho các bên theo tỷ lệ: Nhân viên của Microsoft tham gia vào kế hoạch, đối tác và người ra quyết định tại đơn vị mua hàng (thường là một quan chức chính phủ),” Elabd cho biết.

Cựu giám đốc của Microsoft đã đưa ra một số ví dụ về các giao dịch đáng ngờ và dấu hiệu đỏ mà ông đã chứng kiến ​​trong hơn hai thập kỷ làm việc cho công ty ở nước ngoài. Ông khẳng định một đối tác thuộc Bộ Nội vụ Saudi Arabia nhận khoản chiết khấu 13,6 triệu USD để mua phần mềm của Microsoft, nhưng khoản tiền chưa bao giờ đến tay khách hàng cuối. Năm 2015, một quan chức tại Nigeria phàn nàn chính phủ đã trả 5,5 triệu USD bản quyền cho các phần cứng mà họ không sở hữu. 

Một trường hợp khác, Bộ Giáo dục Qatar đã chi 9,5 triệu USD trong 7 năm để mua bản quyền Office và Windows nhưng không sử dụng. Các kiểm toán viên sau đó đã phát hiện ra rằng các nhân viên tại đại lý ở nước sở tại thậm chí không có quyền truy cập vào máy tính.

Theo The Verge, đây là hình thức hối lộ khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các nước có chính phủ là khách hàng lớn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính hơn 1.000 tỷ USD bị thất thoát mỗi năm do hối lộ trên toàn cầu. 

“Chúng tôi cam kết kinh doanh một cách có trách nhiệm và luôn khuyến khích mọi người báo cáo bất cứ điều gì họ thấy có thể vi phạm luật pháp, chính sách của chúng tôi hoặc các tiêu chuẩn đạo đức của chúng tôi”, Becky Lenaburg, Phó Chủ tịch Microsoft kiêm phó tổng cố vấn về tuân thủ và đạo đức trao đổi với tờ The Verge.

“Chúng tôi tin rằng trước đây chúng tôi đã điều tra những cáo buộc này, đã có từ nhiều năm trước và đã giải quyết chúng. Chúng tôi đã hợp tác với các cơ quan chính phủ để giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào", bà Lenaburg nói thêm.

Trong khi đó, Elabd tiết lộ những nỗ lực của ông để cảnh báo các lãnh đạo khiến ông bị một người quản lý la mắng, hạn chế quyền hạn ở một số giao dịch và bị ngăn cản tiếp cận CEO Satya Nadella.

Sau khi bị chấm dứt hợp đồng, Elabd cho biết ông đã mang tài liệu mình thu thập được đến trước Ủy ban Giao dịch Chứng khoán và Bộ Tư pháp. Theo Protocol, SEC đã gạt vụ việc này vào đầu tháng với lý do là thiếu nguồn lực, trong khi đó Bộ Tư pháp cũng đã từ chối tiếp nhận.

“Như tôi đã cáo buộc trong đơn khiếu nại của mình với SEC, Microsoft đang vi phạm Đạo luật Hành vi Tham nhũng Nước ngoài và tiếp tục làm như vậy một cách trắng trợn. Tôi cảm thấy Ủy ban Chứng khoán lẫn Bộ Tư Pháp đang bật đèn xanh cho hành động này?", Elabd nói.

Microsoft đã trải qua nhiều bê bối hối lộ trong quá khứ. Theo điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, một lãnh đạo công ty tại Hungary bị phát hiện kê khống lợi nhuận biên từ năm 2013-2015. Cuộc điều tra khác của SEC kết luận hơn 440.000 USD trong quỹ marketing được dùng làm quà tặng cho nhân viên chính phủ Ả Rập Xê-út. Năm 2019, Microsoft đã nộp tổng cộng 25 triệu USD cho các cơ quan điều tra để giải quyết vụ việc. 

Doanh Chính