|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Độc quyền Big Tech] Bài 1: Sự phục tùng của Microsoft qua hai thập kỷ

07:46 | 26/03/2022
Chia sẻ
Năm 1998, Microsoft đã thất bại trong vụ kiện chống độc quyền do Chính phủ Mỹ khởi xướng.

 

Các hãng công nghệ đã trở nên phình to hơn bao giờ hết. Amazon, Apple, Facebook (nay là Meta) và Google đang phải đối mặt với những rủi ro khi họ nắm trong tay quyền lực quá lớn, chi phối cuộc sống hàng ngày của mọi người.

Công nghệ tác động tới cuộc sống hàng ngày của chúng ta, từ nơi chúng ta đi, những thứ chúng ta mua, đến tin tức chúng ta đọc và ý kiến của chúng ta trên mạng xã hội. Đối với một vài người, những thứ từng được coi là sản phẩm công nghệ thú vị, sáng tạo giúp cải thiện cuộc sống thì giờ đây lại bị coi là xấu xa cần loại bỏ.

Số khác, vẫn đang tận hưởng các dịch vụ từ những công ty công nghệ này. Đối với hầu hết mọi người, có lẽ nó là sự kết hợp cả hai nhóm ý kiến trên. 

Giờ đây, Big Tech đang phải đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Chúng ta chưa từng thấy vụ kiện nào tương tự về quy mô kể từ những năm 1998 đối với Microsoft.

 

 Logo Microsoft. (Ảnh: AFP). 

 

Bài 1: Sự phục tùng của Microsoft qua hai thập kỷ

Trước hàng loạt những động thái từ Quốc hội cũng như Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) nhằm truy tố các hành vi độc quyền thương mại, Microsoft vẫn có vẻ khá dửng dưng, trong khi mới chỉ 20 năm trước, họ là mục tiêu hàng đầu trong tất cả các vụ kiện lớn nhỏ. 

Đầu năm nay, tập đoàn công nghệ này thông báo về thương vụ mua lại lớn nhất lịch sử, khi họ sáp nhập với Activision Blizzard, một trong những công ty sản xuất game điện tử lớn nhất thế giới, với giá 69 tỷ USD, theo Vox.

Nếu thương vụ được Chính phủ Mỹ thông qua, Microsoft sẽ trở thành công ty lớn thứ ba trong ngành game điện tử. Thư viện trò chơi của họ sẽ được mở rộng nhanh chóng, đem lại một loạt các tựa game nổi tiếng về với máy game XBox, thậm chí vượt qua máy PlayStation của Sony.

Quyết định này đã làm rộ lên nhiều ý kiến trái chiều từ người tiêu dùng nói chung và các chuyên gia nói riêng. Có thể bạn không chơi game, nhưng rất nhiều người khác thì có, được thể hiện qua doanh thu 180 tỷ USD trên toàn thế giới vào 2021. Microsoft tin rằng hiện đang có khoảng 3 tỷ game thủ trên toàn cầu, và sẽ lên tới 4,5 tỷ vào năm 2030.

Nhiều người lo rằng Microsoft sẽ lợi dụng thương vụ nhằm độc quyền hóa ngành game điện tử cứng nhắc hiện tại và gạt bỏ các đối thủ bé; số khác lại cho rằng điều này khiến sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất lớn mạnh mẽ hơn. 

Microsoft bảo rằng họ muốn cung cấp nhiều tựa game nhất có thể cho những người dùng của họ, trên nhiều phương tiện nhất có thể, với mục tiêu sắp tới là nắm thị trường trong thế giới ảo Metaverse của Facebook (nay là Meta Inc.), mô hình công nghệ tương lai, một nơi quá phù hợp với game điện tử.

Thương vụ được công bố trong thời gian cao điểm mà Quốc hội Mỹ và cơ quan FTC đang nghiên cứu đề xuất các bộ luật trực tiếp triệt phá những hành vi độc quyền thương mại trên hàng loạt các nền tảng công nghệ từ những tập đoàn lớn như Facebook, Apple, Amazon. 

May rằng trong vài năm qua, Microsoft đã không phải hứng chịu quá nhiều sự chú ý tự dư luận như những người bạn của họ. Nhưng mới chỉ 20 năm trước, sự hiện diện của Microsoft đã được gắn mác cho định nghĩa của độc quyền thương mại trước thời đại công nghệ mới. Dĩ nhiên, với thương vụ Activision này, có lẽ họ sẽ lại rơi vào tầm ngắm của các nhà lập pháp.

Hai thập kỷ ngoan ngoãn của Microsoft

Cho đến nay trên trang web của FTC, Microsoft vẫn được dùng làm ví dụ tiêu biểu cho các công ty có tiền lệ cạnh tranh bất hợp pháp, với lịch sử độc quyền, đàn áp các hệ thống vận hành máy tính cũng như trình duyệt web mới phát triển.

Quá trình điều tra vào Microsoft đã bắt đầu từ những năm 90 ở Mỹ, khi cả văn phòng FTC và Bộ Tư pháp Mỹ đều cáo buộc tập đoàn này lạm dụng luật cấp giấy phép để áp đặt sự thống trị của hệ điều hành Windows. 

Vào năm 1994, hai cơ quan nhà nước này đã ép Microsoft phải cam kết điều chỉnh những hành vi áp đặt, cũng như không còn bắt các nhà sản xuất máy tính phải mua sản phẩm của Microsoft khi áp dụng hệ điều hành Windows.

Nhưng chỉ ngay năm sau, Microsoft đã tung ra trình duyệt Internet Explorer (IE) với hệ điều hành Windows 95. IE được cài đặt làm trình duyệt mặc định trên tất cả các máy tính sử dụng Windows, thậm chí cả máy tính Mac của Apple, họ đồng thời khiến việc gỡ bỏ cài đặt IE là gần như không thể. Trình duyệt IE sau đó đã trở thành trình duyệt được sử dụng đông đảo nhất thế giới, chiếm tới 95% thị trường, trong khi tính năng và độ hiệu quả lại thua xa nhiều trình duyệt khác.

 

 Đồng sáng lập Microsoft Bill Gates (ngoài cùng bên phải) vào năm 1998. (Ảnh: AFP). 

Năm 1998, Bộ Tư pháp đã kiện Microsoft qua sự vi phạm chính bản cam kết đã đề ra từ 1995. Microsoft phản kháng, cho rằng trình duyệt IE là thiết yếu với hệ điều hành Windows. Dĩ nhiên, Bộ Tư pháp đã chiến thắng trước lập luận yếu đuối này. 

Quyết định ban đầu yêu cầu tách hai mảng phát triển trình duyệt và hệ điều hành thành hai công ty khác nhau, may thay, Bộ Tư pháp và Microsoft đã dàn xếp ổn thỏa, qua đó đạt được một hình phạt nhẹ nhàng và thích đáng hơn. 

Tập đoàn công nghệ này đã phải cho phép các phần mềm bên thứ ba được hoạt động hiệu quả và dễ dàng hơn trên hệ điều hành Windows, hoàn toàn phục tùng trước sự theo dõi và kiểm soát gay gắt từ chính phủ trong nhiều năm tiếp đó, hơn cả là thiệt hại lên tới hàng tỷ USD cho tiền phạt và những cuộc thỏa thuận dàn xếp.

Những vụ kiện tụng và cơ chế theo dõi nghiêm ngặt đó bám lấy Microsoft cho đến tận 2011, làm thay đổi hoàn toàn hướng phát triển của ngành công nghệ Mỹ và thế giới nói chung, tạo tiền đề cho những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ được phát triển trong tương lai, mà hiện chính họ cũng đang dần bị truy tố. Có thể nói, Microsoft đã học được những bài học thích đáng trong quá khứ, điều đó đã định hình hành vi quy củ hơn của họ bây giờ.

Nỗ lực cầm đèn chạy trước... pháp luật

Trong khi các chính trị gia đang lên án về độ bành trường của Amazon, Apple, Facebook và Google, họ đã quên về định giá 2.300 tỷ USD của Microsoft, chỉ đứng sau Apple. Microsoft sở hữu hàng loạt các sản phẩm trong nhiều nhánh của thị trường công nghệ, từ phần mềm cho đến mạng lưới xã hội. 

May rằng, phần lớn những sản phẩm của họ thường ít đụng chạm đến văn hóa, cũng như tạo ảnh hưởng trực tiếp lên đại chúng, qua đó giúp họ thành công trong việc tránh khỏi ánh nhìn của dư luận. Khác với hệ thống iPhone của Apple với hơn 1 tỷ người dùng toàn cầu, hay Facebook với những tố cáo về sự ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử tổng thống, tuyên truyền thông tin sai lệch, đồng thời là những cáo buộc về hành vi thu thập dữ liệu người dùng trái phép.

 Chủ tịch Microsoft Brad Smith (ngoài cùng bên phải) năm 2021 với một chính trị gia. (Ảnh: Getty Images). 

Với những chủ trương được xây dựng trong hai thập kỷ vừa qua, Microsoft đã lách qua khỏi cuộc thanh trừng đang diễn ra. Tuy những bộ luật đang được đề xuất có sượt qua vai tập đoàn này, mục tiêu chính của chúng vẫn là để nhắm vào những con mồi lớn còn lại.

Microsoft cũng đã thành công trong việc xây dựng một chỗ dựa vững chắc tại Washington DC, nơi các bộ luật được cân nhắc. Họ đã nắm được một mạng lưới các chính trị gia sẵn sàng lên tiếng và bảo vệ họ một cách quyết liệt. 

Đây là một hành vi tương đối lạ so với những cái tên khác ở Silicon Valley (vùng đất công nghệ của Mỹ), mà hẳn mà họ đã có được sau nhiều năm làm việc với chính quyền. Kể cả khi kết thúc kỳ hạn giám sát vào năm 2011, họ vẫn liên tục thiện chí làm việc với hệ thống chính quyền và các ủy ban quốc gia trong nỗ lực vận hành một cách quy củ và liêm chính. Nhờ vậy, Washington DC tin rằng thương vụ mới nhất này nằm hoàn toàn trong khuôn khổ cạnh tranh hợp pháp và lành mạnh.

Hướng đi sắp tới của Microsoft

Thậm chí với những sự đồng thuận nhất định, thương vụ 69 tỷ USD này chắc chắn là một lựa chọn không quá khôn khéo, dễ dàng đem đến những đồng thái nhất định từ FTC và Bộ Tư Pháp. Microsoft biện hộ kịp thời, rằng nếu thành công trong việc sát nhập, họ sẽ chỉ là công ty lớn thứ ba trong thị trường game điện tử. 

Nhưng Microsoft đã và đang thống trị hoàn toàn trong thị trường máy tính, là phương tiện chơi game hàng đầu thế giới, cùng với sự sở hữu của hệ thống máy cầm tay Xbox. Nhiều người tin rằng họ sẽ sử dụng lượng tài nguyên khổng lồ này để biến các tựa game nổi tiếng có được (Candy Crush, Call of Duty, Overwatch, Warcraft) thành game độc quyền, qua đó triệt hạ PlayStation của Sony một cách hiệu quả. 

 Một game thủ đang chơi Call of Duty. (Ảnh: AFP).

Các chuyên gia cho rằng bước đi này chưa phải là chắc chắn, nhưng hoàn toàn nằm trong lựa chọn hợp pháp của Microsoft nếu họ không muốn cạnh tranh lành mạnh nữa. Họ cũng tin bất cứ những hành động tương đương sẽ gặp sự phản kháng dữ dội từ game thủ trên toàn thế giới, và sau đó là sự truy tốt từ chính quyền. 

Hẳn là một công ty với bề dày lịch sử như Microsoft sẽ không lặp lại sai phạm trong quá khứ một cách hiển nhiên như vậy. Nhất là khi Microsoft vẫn đang đương đầu với không ít vụ kiện từ Liên minh châu Âu (EU), nơi luật độc quyền thương mại được thực thi chặt chẽ hơn nhiều so với Mỹ.

Thương vụ được dự kiến bắt đầu vào tháng 7 sắp tới và hoàn thành vào năm 2023. "Chúng tôi đang cố thúc đẩy sự chuyển giao về hệ thống nhằm đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất có thể. Thương vụ này sẽ rất tốt với các game thủ trên toàn thế giới".Rima Alaily, Phó chủ tịch Tập đoàn Microsoft, phát biểu.

Liệu điều đó có đúng hay không thì chỉ thời gian mới có thể trả lời.

 

 

Hưng Phạm