Mexico thua kiện Mỹ trong cuộc chiến 10 năm về dán nhãn cá ngừ
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, Mexico đã thua kiện Mỹ trong cuộc chiến kéo dài hơn 10 năm qua về dán nhãn “dolphin safe” cho sản phẩm cá ngừ.
Các thẩm phán tòa phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 14/12 đã bác bỏ lập luận của Mexico rằng quy tắc dãn nhãn của Mỹ trên sản phẩm này vi phạm các quy định quốc tế.
Phán quyết của WTO đã chấm dứt tranh chấp giữa Mexico và Mỹ về vấn đề trên bắt đầu từ tháng 10/2008, sau khi Mexico khiếu nại quy tắc dán nhãn của Mỹ gây thiệt hại đối với ngành công nghiệp đánh bắt cá ngừ của nước này.
Tranh cãi tập trung vào việc Mỹ từ chối cấp nhãn "dolphin safe" cho các sản phẩm cá ngừ đánh bắt bằng cách vây lưới.
Nhãn mác này được cấp cho sản phẩm cá ngừ đánh bắt bằng lưới không làm cá chết hoặc thương tích nghiêm trọng.
Mexico khẳng định đã giảm số lượng cá ngừ chết xuống mức tối thiểu trong quá trình đánh bắt, nhưng vẫn tiếp tục bị phân biệt đối xử bởi các đòi hỏi, yêu cầu từ phía Mỹ về các thủ tục giấy tờ liên quan tới quy trình đánh bắt.
Trong khi đó, việc đánh bắt cá ngừ từ các khu vực khác không phải đối mặt với các kiểm tra nghiêm ngặt tương tự.
Tuy nhiên, WTO phát hiện ra rằng việc sử dụng lưới vây có khả năng làm cá chết hoặc bị thương, cho dù không có bằng chứng quan sát được về điều này.
Trước đó, Mỹ đã thua kiện tại vòng đầu tiên và thay đổi các quy định liên quan vào năm 2013. Tuy nhiên WTO cho rằng những thay đổi đó chưa đủ và Mỹ đã tiếp tục sửa đổi quy định vào năm 2016.
Tháng 4/2017, Mexico đã giành được quyền áp dụng lệnh trừng phạt thương mại hằng năm trị giá 163 triệu USD đối với Mỹ sau phán quyết của WTO rằng quy định dán nhãn của Mỹ gây tổn hại đối với các nhà sản xuất cá ngừ của Mexico.
Tuy nhiên, 6 tháng sau đó, ngày 26/10/2017, WTO đã đưa ra phán quyết các quy tắc dán nhãn cá ngừ “dolphin safe” của Mỹ, được sửa đổi vào tháng 3/2016, không còn phân biệt đối xử đối với các sản phẩm cá ngừ Mexico.
Bộ Kinh tế Mexico khẳng định phương pháp đánh bắt cá ngừ của nước này tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất nhằm bảo vệ nguồn thủy sản và tính bền vững của đại dương.