|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

MCH liên tiếp lập đỉnh, vốn hóa Masan Consumer vượt giá trị của Masan Group cộng với nhiều thành viên

14:57 | 06/06/2024
Chia sẻ
Vốn hóa của Masan Consumer đạt 6,2 tỷ USD tại cuối phiên sáng 6/6, vượt cả Masan và nhiều thành viên trên sàn chứng khoán cộng lại.

Cổ phiếu của Masan Consumer (Mã: MCH) tiếp diễn xu hướng tích cực từ đầu năm. Trong phiên sáng 6/6, thị giá tăng 6,5% lên 217.500 đồng/cp và tạo đỉnh mới.

Với 717,5 triệu cp đang lưu hành, vốn hóa thị trường mã này đạt 156.058 tỷ đồng, xấp xỉ 6,2 tỷ USD (tạm tính 1 USD đổi 25.000 đồng). Con số trên vượt qua cả công ty mẹ là Masan Group (MSN), cũng như bỏ xa các thành viên trên sàn chứng khoán khác của tập đoàn như Masan High-Tech Materials (MSR), Netco (NET), Masan MEATLife (MML) hay Vinacafé Biên Hòa (VCF).

Nếu tính chung, vốn hóa MCH hiện cao hơn cả MSN, MSR, NET, MML, VCF cộng lại.

(Nguồn: X.N tổng hợp).

So sánh trên cả ba sàn HOSE, HNX và UPCoM, vốn hóa của Masan Consumer đang xếp thứ 12 thị trường, sau ngân hàng liên kết với Masan Group là Techcombank (TCB) (khoảng 167.000 tỷ đồng) và Vingroup (VIC) (khoảng 169.000 tỷ đồng).

MCH cũng là mã có diễn biến tích cực nhất từ đầu năm trong số thành viên Masan Group. Tính đến hết phiên sáng 6/6, thị giá đã tăng 149%, tức gấp 2,5 lần, đồng thời bổ sung hơn 93.000 tỷ đồng vốn hóa.

Diễn biến MCH từ 2023 đến phiên sáng 6/6. (Biểu đồ: TradingView).

Có kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại HOSE

Thông tin quan trọng liên quan đến cổ phiếu MCH là việc ĐHĐCĐ thường niên 2024 (diễn ra hồi tháng 4) đã thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Cổ phiếu MCH được đưa và giao dịch thị trường UPCoM đầu tháng 1/2017, giá tham chiếu 90.000 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh). Trong 1 năm gần nhất, MCH ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 63.000 cp. Tuy nhiên, con số này đã tăng 3 lần trong 1 tháng gần đây (khoảng 260.000 cp mỗi phiên).

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra đầu tháng 5, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Consumer, đã nói về kế hoạch huy động vốn trong năm nay. Theo vị lãnh đạo nhận thấy rằng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm trong vòng 6 - 7 năm qua của Masan Consumer, đã đến lúc phải xem xét thực hiện kế hoạch IPO tiềm năng.

“Hiện tôi có thể nói dựa trên ước tính của chúng tôi rằng việc IPO Masan Consumer là top 2 vấn đề hàng đầu của Masan Consumer. Trên UPCoM, cổ phiếu MCH hiện đang giao dịch ở dưới giá trị nội tại. Do đó, tôi cho rằng việc IPO Masan Consumer sẽ giúp nâng định giá của các cổ phiếu Masan”, ông Danny Le chia sẻ.

Trước đó, tờ Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết Masan Group đang hợp tác với các nhà tư vấn tài chính liên quan đến vấn đề IPO của Masan Consumer Holdings, thương vụ này có thể huy động được từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ USD. Các nguồn tin cho biết thêm đợt bán cổ phiếu có thể diễn ra vào đầu năm sau nếu điều kiện thị trường thuận lợi. Các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và các chi tiết như quy mô và thời gian có thể thay đổi.

Ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc Masan Consumer, cho biết công ty hiện sở hữu 5 thương hiệu có doanh thu 150 - 250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu.

Masan Consumer đã tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần thị trường chung trong giai đoạn 2017 - 2023. Công ty đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng bằng việc tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà và thay thế bữa ăn tại nhà hàng.

Ban lãnh đạo cho biết quy mô thị trường hàng tiêu dùng FMCG mà Masan Consumer phục vụ đến 15 tỷ USD, nhưng công ty mới chỉ chiếm khoảng 8%. Thậm chí với quy mô thị trường FMCG Việt Nam khoảng 32 tỷ USD thì Masan Consumer cũng mới chiếm thị phần 3 - 4%. Do đó, ông Thắng nhận định còn nhiều cơ hội để cạnh tranh với đơn vị khác, để người tiêu dùng lựa chọn.

Xuân Nghĩa