McDonald’s, Starbucks bị tẩy chay
Tờ Fortune đưa tin quý IV/2023 là lần hiếm hoi McDonald’s ghi nhận doanh thu sụt giảm. Trong khi Starbucks được dự báo có tốc độ tăng trưởng chậm trong nửa cuối năm, thậm chí thấp hơn những gì các nhà phân tích dự đoán.
Những công ty này có đặc điểm chung là đều thuộc lĩnh vực F&B. Mặt khác, đây đều là những doanh nghiệp ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. Theo các doanh nghiệp, đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc doanh thu sụt giảm trong quý cuối cùng của năm.
Kể từ khi xung đột bùng nổ ở Gaza, các nhà hoạt động phản chiến trên khắp thế giới gây áp lực lên các công ty mà họ cho rằng đang ủng hộ Israel.
Tăng trưởng doanh thu quý IV của McDonald’s tại Trung Đông đã giảm xuống 0,7% so với mức 16,5% cùng kỳ. Theo công ty, điều này “phản ánh tác động của xung đột ở Trung Đông”.
Trong một bài viết đăng trên mạng xã hội LinkedIn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành McDonald's Chris Kempczinski cho biết một số thị trường Trung Đông và bên ngoài khu vực đang chịu tác động kinh doanh đáng kể do xung đột và “thông tin sai lệch” ảnh hưởng tới thương hiệu.
Trước đó tháng 10/2023, bức ảnh chụp một cửa hàng McDonald's ở Israel tặng hàng nghìn bữa ăn miễn phí cho binh lính đã được lan truyền, làm bùng lên những lời kêu gọi tẩy chay chuỗi cửa hàng này.
Thời điểm đó cũng đánh dấu doanh số bán hàng bắt đầu sụt giảm tại McDonald's ở Trung Đông và các thị trường có đa số người theo đạo Hồi như Indonesia và Malaysia.
Theo mô hình nhượng quyền của McDonald's, các nhà hàng riêng lẻ không bị công ty mẹ kiểm soát chặt chẽ và thường quyết định những thứ như địa điểm kinh doanh, giá cả, quảng cáo, sản phẩm, tuyển dụng.
Lợi ích của mô hình này là công ty mẹ có thể tiếp cận nguồn vốn lớn hơn, mở nhiều địa điểm và nâng cao nhận diện về thương hiệu với sự giám sát tối thiểu của bên nhận quyền.
Tuy nhiên, nhược điểm lại là công ty mẹ có thể mất quyền kiểm soát hoàn toàn thương hiệu và khả năng xảy ra tranh chấp pháp lý gia tăng do bên nhận quyền có nhiều quyền kiểm soát đối với hoạt động của họ.
Ông Ajai Gaur, Giáo sư Quản trị và Kinh doanh toàn cầu tại Rutgers, cho biết công ty mẹ “không có nhiều quyền kiểm soát” đối với hoạt động nhượng quyền của mình, chẳng hạn các cửa hàng nhượng quyền có thể tham gia các phong trào xã hội.
Theo ông, minh bạch có thể sẽ là giải pháp lâu dài giúp các công ty như McDonald’s, Starbucks tránh được các cuộc tấn công lâu dài.
Đơn cử, công ty mẹ có thể đưa ra số lượng cửa hàng nhượng quyền thương mại tại Ả Rập Saudi, trong đó có bao nhiêu lao động địa phương được tuyển dụng, hoạt động kinh doanh, lợi nhuận và hoạt động xã hội dành cho cộng đồng ở đó là bao nhiêu, chi phí nhượng quyền thế nào để người tiêu dùng có cái nhìn đúng đắn.
Ngoài ra, theo vị giáo sư, các công ty này thường rút lui khỏi các thị trường nước ngoài rất nhanh khi có xung đột xảy ra. Hai tuần sau xung đột Nga - Ukraine, McDonald’s, Coke, Starbucks và Netflix đã dừng hoạt động tại Nga.
Theo ông, trong một khoảng thời gian rất ngắn, rất nhiều công ty đã gần như từ bỏ hoàn toàn thị trường này, và rõ ràng điều đó gây ra những hậu quả về mặt tài chính.
“Khách hàng không mong đợi doanh nghiệp giữ thái độ trung lập. Nhưng họ mong muốn được nhìn thấy hình ảnh doanh nghiệp không chỉ là cỗ máy tạo ra lợi nhuận. Nếu bạn không có câu chuyện của riêng mình để kể, người khác sẽ làm điều đó thay bạn”, ông Ajai Gaur nói.
Đối với Starbucks, theo tiết lộ trong báo cáo kinh doanh quý trước, vốn cũng là mục tiêu của các nhà hoạt động phản chiến, doanh số bán hàng không đạt được kỳ vọng.
Giám đốc điều hành Starbucks Laxman Narasimhan cho biết đã nhận thấy “tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh ở Trung Đông” và “các sự kiện ở Trung Đông cũng có tác động tới thị trường Mỹ, do những thông tin sai lệch về quan điểm của ban lãnh đạo công ty”.
Bà Rachel Ruggeri, Phó Chủ tịch điều hành Starbucks, dự báo xung đột sẽ làm giảm lợi nhuận chuỗi cà phê trong quý II năm nay.
Những lời kêu gọi tẩy chay Starbucks bùng lên sau khi chuỗi đồ uống kiện Workers United - tổ chức đại diện cho một số người lao động, đã vi phạm nhãn hiệu khi đăng một bài viết trên mạng xã hội với nội dung “Đoàn kết cùng Palestine”.
Starbucks yêu cầu công đoàn ngừng sử dụng tên và logo của mình. Theo Starbucks, người lao động đã đăng dòng trạng thái này lên mạng xã hội mà không có sự cho phép của lãnh đạo công đoàn và nó đã bị xoá sau 40 phút.
Ông Matthew Goodman, nhà phân tích kinh tế cao cấp tại M Science cho biết việc theo dõi tác động của một cuộc tẩy chay là rất khó, bởi còn phải tính đến thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, giá cả lạm phát, kinh doanh theo mùa,… cũng ảnh hưởng tới doanh thu.
“Tuy nhiên, các công ty cần phải chủ động hơn bao giờ hết trong việc theo dõi và quản lý danh tiếng của mình để giảm thiểu rủi ro trước những thông tin không tốt, dù chính xác hay không, có thể dẫn đến sự tẩy chay của người tiêu dùng”, ông nói.
Tháng 12 năm ngoái, cổ phiếu Starbucks giảm gần 10%, “bốc hơi” gần 12 tỷ USD giá trị do các cuộc đình công của người lao động và lượng khách hàng thấp.
Ông David Denoon, Giáo sư nghiên cứu chính trị và kinh tế tại Đại học New York, nói rằng tẩy chay là “một công cụ gây áp lực kinh tế ngày càng hiệu quả” vì mạng xã hội cho phép các nhà tổ chức “liên hệ với hàng triệu người mà họ có thể chưa từng biết đến”.
Trên TikTok, các hashtag tẩy chay đã nhận được hơn 300 triệu lượt xem và chia sẻ, đồng thời các thương hiệu khác cũng bị liên đới.
Thương hiệu quần áo Zara đã trở thành mục tiêu tẩy chay sau khi tung ra một buổi chụp ảnh vào tháng 12 với những bức tường vỡ, đống đổ nát và những bức tượng bị cụt chân tay được bọc trong vải trắng, điều mà các nhà hoạt động gọi là vô cảm. Hashtag #boycottzara có hơn 86 triệu lượt xem trên nền tảng xã hội.