MBS dự báo Fed có thể sẽ giảm lãi suất khoảng 100 điểm trong năm 2024
Dự báo về lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2024, báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất khoảng 100 điểm cơ bản, lãi suất sẽ ở mức 4,5 % vào cuối năm 2024.
Mỹ: Chính sách tiền tệ đứng trước bước ngoặt đảo chiều
Nguyên nhân là do trong kỳ họp ngày 13/12, Fed phát đi thông điệp kỳ vọng có ít nhất 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024, với tổng mức giảm là 75 điểm cơ bản. Trong lịch sử chu kỳ tăng lãi suất của Fed, khoảng thời gian bình quân từ lần tăng cuối cùng đến lần giảm đầu tiên là 8 tháng.
Vì vậy thị trường tài chính thậm chí đang kỳ vọng lãi suất sẽ giảm từ tháng 3/2024 với tổng mức giảm 150 điểm cơ bản trong năm 2024. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng trong bối cảnh giá năng lượng vẫn còn khó đoán định, giá lương thực thực phẩm vẫn có xu hướng tăng trong năm 2024 do sản lượng thấp, do đó lạm phát của Mỹ vẫn đang cách khá xa mục tiêu dài hạn 2% của Fed.
Bên cạnh đó, chu kỳ đầu tư chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu “zero-carbon” và đầu tư công nghệ mới vẫn đang tạo áp lực lên chi phí vốn. Do đó, các chuyên gia MBS đánh giá lãi suất sẽ khó hạ nhiệt nhanh trong năm 2024.
Dù vậy, nhiều khả năng cơ quan này sẽ cắt giảm 100 điểm cơ bản, đưa lãi suất về 4,5% vào cuối năm 2024.
Củng cố thêm quan điểm Fed sẽ sớm hạ lãi suất, MBS cho biết yếu tố quan trọng tác động đến chính sách lãi suất của Fed là lạm phát Mỹ. Trong khi đó, cuộc chiến chống lạm phát đang đổi chiều theo hướng có lợi cho hàng Trung ương các nước trong đó có Mỹ nhờ giá năng lượng hạ nhiệt cũng như chuỗi cung ứng cải thiện dẫn đến giá cả hàng hóa quay trở lại mặt bằng hợp lý.
Trung bình giá dầu năm 2023 ở mức 82 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 101 USD của năm 2022. Đồng thời, các nút thắt của chuỗi cung ứng cũng như tình trạng thiếu chất bán dẫn đã được tháo gỡ trong năm 2023, đây được cho là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến giá cả hàng hóa leo thang trong giai đoạn 2021 – 2022.
Vì vậy, tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ mức đỉnh 9,1% của năm 2022 xuống còn 3,1% trong tháng 11/2023 và đang có khả năng giảm hơn nữa khi chỉ số giá nhà vẫn đang trên đà giảm tốc.
VND có khả năng mạnh lên so với USD
Đối với tỷ giá, sau giai đoạn bình ổn trong nửa đầu năm 2023, áp lực tỷ giá tăng dần từ tháng 7/2023 nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc đồng USD mạnh lên.
Trong bối cảnh, Fed liên tục tăng lãi suất với tổng mức tăng 150 điểm cơ bản trong năm 2023, ngân hàng trung ương các nước Châu Á, mà đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản,... liên tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Các nhà đầu tư lo ngại sự phân cực ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ các nước đã chuyển sự chú ý sang đồng USD, khiến chỉ số sức mạnh đồng đô (DXY) tăng vọt, đã có lúc đạt 107 điểm trong tháng 10/2023.
Khi Việt Nam chuyển sang chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng từ cuối quý 1/2023, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD càng lớn dẫn đến tỷ giá liên ngân hàng, tỷ giá trung tâm và tỷ giá tự do đều vượt mức 24/000 đồng.
Tuy nhiên, áp lực tỷ giá dần hạ nhiệt trong tháng 12 khi Fed xác nhận lãi suất có thể đã đạt đỉnh và phát đi tín hiệu về các đợt cắt giảm trong năm 2024. Tính đến giữa tháng 12/2023, tỷ giá liên ngân hàng VND/USD đã tăng khoảng 3% so với đầu năm và giảm 1,4% so với đỉnh. Tuy nhiên, so với một số đồng tiền khác trong khu vực, diễn biến VND vẫn khá ổn định trong năm 2023.
Bước sang năm 2024, trong bối cảnh lạm phát của Mỹ cải thiện đồng nghĩa với việc tăng khả năng rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến, điều này sẽ hạn chế mức tăng của đồng đô la Mỹ (hiện tại đồng USD Index đã giảm 3,5% so với đỉnh 2023).
Chính sách tiền tệ toàn cầu bắt đầu nới lỏng, đồng đô la Mỹ có xu hướng mất giá trên diện rộng và sẽ giảm áp lực lên tỷ giá trong nước. Các chuyên gia MBS cho rằng, tỷ giá năm 2024 sẽ dao động trong vùng 23.800 – 24.300 VND/USD và vẫn tiếp tục sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố bao gồm thặng dư thương mại.
Tuy nhiên, thặng dư thương mại năm 2024 sẽ không tốt như 2023 khi xuất nhập khẩu sẽ phục hồi, giải ngân FDI tích cực, lượng kiều hối ổn định (IMF dự báo lượng kiều hối trong năm 2024 lên hơn 110 tỷ USD), du lịch quốc tế hồi phục mạnh...