|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá VND có ổn định khi đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá?

10:40 | 21/08/2019
Chia sẻ
Theo VCSC, đồng nhân dân tệ giảm sâu có thể ảnh hưởng đến tâm lí thị trường ngoại hối Việt nam và tạo thêm áp lực lên VND.

Tỷ giá USD giảm nhờ nguồn ngoại tệ dồi dào trong hệ thống ngân hàng

Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tiền đồng (VND) đã duy trì ổn định bất chấp việc đồng nhân dân tệ (CNY) phá giá mạnh. 

Đồng nhân dân tệ đã phá vỡ ngưỡng kháng cự tâm lí quan trọng 7 CNY/USD, mức thấp nhất trong hơn 11 năm qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ có kế hoạch áp thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ cũng chính thức gán mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) sau đó đã hạ tỷ giá tham chiếu hàng ngày xuống dưới ngưỡng 7 CNY/USD và tiếp tục duy trì ở mức thấp cho tới hiện tại. 

Tính đến ngày 13/8/2019, tỷ giá tham chiếu được PBoC thiết lập ở mức 7,0326 CNY/USD so với mức 6,8841 CNY/USD vào cuối tháng 7 đã trượt giá 2,1%.

Theo đó, đồng CNY giao dịch tại Trung Quốc và giao dịch ở nước ngoài đã trượt giá lần lượt 2,5% và 2,7%.

Theo VCSC, thông thường khi nhân dân tệ mất giá sẽ ảnh hưởng đến tâm lí thị trường ngoại hối Việt Nam. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là mặc dù đồng CNY đã trượt giá liên tục trong nửa tháng vừa qua đã không ảnh hưởng đến đồng VND.

Bất ngờ hơn, tỷ giá USD/VND đã giảm từ mức 23.290 vào ngày 5/8 xuống quanh mức giá chào mua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại 23.290 VND/USD. VCSC cho rằng sự ổn định của tiền đồng là nhờ nguồn ngoại tệ dồi dào trong hệ thống đến từ xuất khẩu, vốn FDI và FII trong thời gian qua.

Liệu tỷ giá có thể tiếp tục ổn định?

VCSC kì vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ hỗ trợ mạnh cho thị trường ngoại hối trong thời gian tới. Giải ngân vốn FDI được dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định khi mà vốn FDI đăng ký trong năm 2018 và nửa đầu 2019 đều ở mức cao ấn tượng. 

Thêm vào đó, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang đẩy nhanh xu hướng chuyển đổi dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cụ thể, vốn FDI cam kết từ Trung Quốc đã tăng mạnh 134% so với cùng kì năm trước trong 7 tháng đầu năm.

Cùng với đó, tăng trưởng xuất khẩu và cán cân thương mại dự kiến sẽ được cải thiện. Đáng chú ý, dòng sản phẩm mới của Samsung, Galaxy Note 10 (có kế hoạch mở bán trong tháng 8) là một yếu tố hỗ trợ xuất khẩu.

Ngoài nguồn cung ngoại tệ, những ảnh hưởng từ các động thái của Fed và PBoC cũng đang gửi đi những tín hiệu tích cực.

Tại cuộc họp cuối tháng 7, Fed đã giảm lãi suất 25 điểm cơ bản còn 2%-2,5%, đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2008. Điều này giúp làm giảm áp lực đối với tỷ giá USD/VND. Trước đó, ngày 22/7, NHNN đã giảm lãi suất tín phiếu 0,25 điểm cơ bản còn 2,75%. 

Về phía NHTW Trung Quốc, VCSC nhận định tổ chức này sẽ không để đồng nhân dân tệ trượt giá mạnh vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. 

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã luôn duy trì trên mức 3 nghìn tỉ USD kể từ tháng 2/2011 cho đến nay (ngoại trừ tháng 1/2017), trong khi tỉ lệ dự trữ ngoại hối/tháng nhập khẩu đã giảm dần từ 19,5 tháng xuống 13,4 trong 5 năm qua. 

Do đó, dường như PBoC không muốn giảm dự trữ ngoại hối xuống dưới ngưỡng tâm lý 3 nghìn tỉ USD khi điều này chưa chắc sẽ giúp hỗ trợ đồng CNY và thay vào đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lí thị trường. Tuy nhiên, PBoC có thể tiếp tục phát hành tín phiếu nội tệ ở Hong Kong nhằm giảm thanh khoản và chặn giảm đà giảm của đồng tiền này. 

Theo nhận định của VCSC, kịch bản giảm sâu hơn của nhân dân tệ có thể ảnh hưởng đến tâm lí thị trường ngoại hối Việt nam và tạo thêm áp lực lên VND. 

Tuy nhiên, dữ liệu lịch sử cho thấy đồng VND và CNY có mối tương quan khá thấp (trừ năm 2015). Diễn biến trái chiều của VND và CNY trong hai tuần qua cho thấy VND phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu cung cầu trên thị trường hơn là đồng CNY.

Việc đồng CNY tiếp tục giảm có thể dẫn đến mức trượt giá sâu hơn của các đồng tiền trong khu vực, khiến hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh thấp hơn so với hàng hóa từ các quốc gia khác. Do vậy, khả năng đồng VND có thể sẽ phải trượt giá theo.

Trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài tiếp tục ổn định, VCSC dự báo VND sẽ duy trì ổn định. Tuy nhiên, việc đồng CNY và các đồng tiền khác trong khu vực tiếp tục trượt giá so với USD có thể khiến đồng VND chịu áp lực. 

Trong kịch bản tiêu cực cho các các đồng tiền khác, VND có thể trượt giá trong khoảng 2% trong năm nay. 

Diệp Bình