May có một phi công đi nhờ, chiếc Boeing 737 MAX 8 thoát nạn trong gang tấc
Ngày 28/10/2018, một chiếc Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Lion Air đang lao xuống với tốc độ nguy hiểm, cơ trưởng và cơ phó đang cố hết sức mình để điều khiển chiếc máy bay theo ý mình thì nhận được sự giúp đỡ của một người mà họ không ngờ tới: một phi công đi nhờ đang ngồi trong buồng lái.
(Khi các phi công cần đi từ điểm này đến điểm khác để làm nhiệm vụ - chẳng hạn đi từ Bali đến Jakarta để điều khiển một chuyến bay từ Jakarta đi thành phố khác - họ có thể đi nhờ các chuyến bay của hãng hàng không mà mình làm việc và ngồi trong buồng lái cùng với kíp lái chính.)
Buồng lái của một chiếc Boeing 737 MAX 8. Ảnh: Bloomberg.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời hai nguồn tin thân cận cho biết: Người phi công đi nhờ này đã phán đoán đúng vấn đề và nói với kíp lái chính của chiếc 737 MAX 8 hãy tắt hệ thống điều khiển bay bị lỗi, nhờ vậy mà cứu sống toàn bộ chuyến bay.
Ngày hôm sau 29/10/2018, một kíp lái khác điều khiển cùng chiếc 737 MAX 8 này gặp phải lỗi y hệt nhưng không biết cách xử lý chính xác và do vậy chiếc máy bay đã lao xuống biển Java, làm toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Thông tin vừa được tiết lộ về chuyến bay của Lion Air thoát chết trong gang tấc cung cấp thêm một manh mối mới về việc tại sao một số phi công Boeing 737 MAX gặp phải lỗi điều khiển có thể tránh được thảm họa trong khi những phi công khác lại mất kiểm soát và gặp nạn.
Ngày 28/11/2018, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC) đã công bố một bản báo cáo điều tra về vụ tai nạn ngày 29/10 tuy nhiên trong đó không có chi tiết về phi công thứ ba trong buồng lái chuyến bay ngày hôm trước.
Người phi công đi nhờ trong chuyến bay từ Bali đến Jakarta, dựa vào kinh nghiệm của mình, đã hướng dẫn cơ trưởng ngắt nguồn động cơ đẩy mũi máy bay xuống. Theo nguồn tin của Bloomberg, đây là một bước xử lý cơ bản mà mọi phi công đều phải thuộc lòng.
Theo bản ghi âm buồng lái của chuyến bay gặp nạn ngày 29/10, kíp lái của chuyến bay xấu số này đã không biết phải xử lí ra sao khi máy bay gặp trục trặc và lao đầu xuống biển. Trong những phút cuối cùng chuyến bay, kíp lái đã vội vàng kiểm tra sổ tay nghiệp vụ - một bản tóm tắt cách xử lý những tình huống bất thường và khẩn cấp.
Trục vớt bánh chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 gặp nạn ngày 29/10/2018. Cùng chiếc máy bay này đã thoát chết trong gang tấc ngày hôm trước nhờ sự can thiệp của một phi công đi nhờ. Ảnh: Bloomberg.
Đại diện hãng hàng không Lion Air từ chối bình luận về vai trò của người phi công thứ ba và chỉ cho biết: "Tất cả dữ liệu và thông tin chúng tôi có về chuyến bay và chiếc máy bay đã được gửi cho NTSC. Chúng tôi không thể bình luận gì thêm ở giai đoạn này vì cuộc điều tra vẫn đang diễn ra."
Báo cáo của NTSC thì ghi nhận chiếc Boeing 737 MAX 8 gặp nạn đã bị nhiều trục trặc trong các chuyến bay trước đó nhưng không được sửa chữa đúng cách. Theo báo cáo này, từ ngày 26/10/2018, các chuyên viên cơ khí đã 4 lần cố gắng sửa chữa các lỗi trên chiếc máy bay này. Sau khi nhiều phi công thông báo việc hiển thị sai tốc độ và độ cao trong hai chuyến bay trước đó, các công nhân tại Denspasar – Bali đã thay thế một cảm biến điều khiển mũi máy bay chúi xuống nếu nhận thấy tình hình khẩn cấp.
Chiếc cảm biến này có chức năng xác định xem không khí đang thổi dọc theo thân máy bay hay theo một góc nhất định. Dữ liệu chuyến bay cho thấy cảm biến này đã cung cấp số liệu sai lầm.
Tuy nhiên các phi công trên chuyến bay ngày 28/10 từ Bali đi Jakarta lại không thông báo vấn đề kể trên sau khi hạ cánh. Đề nghị bảo dưỡng của kíp lái này không đề cập đến việc chiếc máy bay đưa ra số liệu sai lầm sau khi cất cánh khoảng 120m. Ngày hôm sau, chiếc máy bay này tiếp tục đưa ra số liệu sai và lao xuống biển Java.
Đại diện Boeing và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia từ chối bình luận về thông tin này.
Ngày 10/3 vừa qua, một chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Ethiopian Airlines gặp nạn chỉ ít phút sau khi cất cánh, toàn bộ 157 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, nguyên nhân vụ tai nạn này có nhiều điểm tương đồng với vụ tai nạn tháng 10/2018 tại Indonesia, tức là đều liên quan đến lỗi kĩ thuật của máy bay. Từ đó đến nay, hàng chục cơ quan quản lí hàng không trên khắp thế giới bao gồm Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, … đã ra lệnh cấm bay đối với dòng máy bay Boeing 737 MAX 8.