Boeing gặp nạn, máy bay Trung Quốc có thể lên ngôi?
Tập đoàn sản xuất máy bay Commercial Aircraft (Comac) do nhà nước Trung Quốc sở hữu đang sản xuất loại máy bay thương mại thân hẹp mang tên C919. Chiếc máy bay này có thể chở khoảng 170 hành khách và được dự báo sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với dòng B737 Max 8 của Boeing cũng như A320NEO của Airbus.
Hiện số lượng C919 được đặt hàng đã là trên 800 chiếc. Đây là một phần của kế hoạch tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc xây dựng một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ từ những công đoạn đầu tiên, hướng tới phá vỡ thế độc quyền của các doanh nghiệp Phương Tây trên bầu trời.
Trung Quốc đã ra lệnh cấm bay đối với dòng Boeing 737 Max 8 chỉ vài giờ sau khi một chiếc máy bay loại này của Ethiopian Airlines gặp nạn làm toàn bộ 157 người trên máy bay thiệt mạng. Động thái này của Trung Quốc đã khơi mào cho một làn sóng cấm bay trên toàn cầu đối với 737 Max 8.
Ông Chad Ohlandt, kĩ sư cao cấp tại Rand Corp. ở Washington nhận định: "Những sự kiện kiểu này tạo ra một cơ hội tốt cho Comac bắt đầu thâm nhập thị trường cung cấp máy bay. Nếu những người điều hành Comac khôn ngoan, họ sẽ tiếp cận khoảng 10 hãng hàng không đang muốn mua máy bay thân hẹp và chào hàng".
Comac bắt đầu các chuyến bay thử đối với dòng C919 trong năm 2017, từ đó đến nay hãng đã nhận được 815 đơn hàng từ 28 khách hàng, bao gồm cả GE Capital Aviation Services (GECAS – công ty con chuyên cho thuê máy bay của Boeing).
Máy bay C919 cất cánh ngày 28/12/2018. Ảnh: AP/Bloomberg.
Hàng không Trung Quốc: Cần 9.000 máy bay trong 20 năm
Tham vọng của Bắc Kinh vượt xa những chiếc C919. Comac hiện đang hợp tác với United Aircraft Corp. tại Moscow để phát triển dòng máy bay thân rộng CR929 có khả năng bay các chặng dài, chẳng hạn từ Bắc Kinh tới New York.
Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đang phát triển đủ các loại máy bay khác nhau, từ những chiếc thân rộng, máy bay cánh quạt, máy bay phản lực cho doanh nghiệp, trực thăng, thủy phi cơ hay thậm chí là khinh khí cầu khung cứng (zeppelin).
"Trên tầm chiến lược, sản xuất thiết bị hàng không là một nhiệm vụ bắt buộc của quốc gia," ông Yu Zhanfu một lãnh đạo tại Roland Berger Strategy Consultants ở Bắc Kinh, tập trung nghiên cứu về hàng không và quốc phòng, nhận định. "Một khi ngành sản xuất hàng không đạt được tính kinh tế về qui mô, nó sẽ tạo lực đẩy cho toàn bộ chuỗi cung ứng công nghiệp".
Tháng 11/2018, Comac ước tính trong 20 năm tới, ngành hàng không Trung Quốc sẽ nhận bàn giao tổng cộng khoảng 9.000 chiếc tàu bay, tổng trị giá 1.300 tỉ USD. Khoảng 2/3 số này là loại máy bay thân hẹp một lối đi như những chiếc Boeing 737 và C919.
Comac hiện đang xây dựng một trung tâm huấn luyện cho kĩ sư bảo dưỡng, tiếp viên và các nhân viên hàng không khác phục vụ cho C919 và CR929. Nói cách khác, Comac hiện đang làm 4-5 việc cùng lúc và đang hoạt động hết tốc lực.
Boeing sắp tới có thể sẽ cảm thấy rất khó xử khi phải cạnh tranh với một trong những đối tác của mình. Boeing và Comac đồng sở hữu một trung tâm lắp ráp ở phía nam thành phố Thượng Hải và sản phẩm xuất xưởng đầu tiên là một chiếc B737 Max 8 được bàn giao cho Air China vào tháng 12/2018.
Comac còn có một dòng sản phẩm khác là loại máy bay cỡ nhỏ ARJ21 với chức năng cạnh tranh với máy bay của Embraer SA – hãng hiện cũng đang góp vốn làm ăn với Boeing.
Đến nay, người mua hàng của Comac là các hãng hàng không nhỏ như Chengdu Airlines và Genghis Khan Airlines. Trong một email, Boeing cho biết: "Comac là một đối thủ cạnh tranh xuất sắc và chúng tôi rất tôn trọng họ. Comac cũng là một người hợp tác tuyệt vời". Trung Quốc đóng góp khoảng 14% doanh thu của Boeing trong năm 2018.
Bầu trời không chỉ có màu xanh
Tuy hiện có nhiều lợi thế nhưng máy bay Trung Quốc cũng còn không ít khó khăn. Đáng kể nhất là việc những máy bay này không có thành tích an toàn trong quá khứ như máy bay của Phương Tây. Quan trọng hơn nữa là hiện không công ty Trung Quốc nào có khả năng thiết kế và sản xuất động cơ máy bay thương mại.
Động cơ của C919 được sản xuất bởi CFM International, một đơn vị liên doanh giữa GE của Mỹ và Safran của Pháp.
Công nghệ sản xuất động cơ máy bay là tâm điểm chú ý của Bộ Tư pháp Mỹ khi tháng 10 năm ngoái, cơ quan này cáo buộc hai người mang quốc tịch Trung Quốc làm gián điệp và cố gắng đột nhập vào hệ thống máy tính của các doanh nghiệp để đánh cắp thông tin liên quan đến động cơ máy bay.
Mỹ gần đây cũng công bố một số các buộc đối với một người bị cho là mật vụ Trung Quốc, khẳng định người này đang lên kế hoạch ăn cắp bí mật thương mại từ các công ty hàng không và vũ trụ Mỹ. Chính phủ Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc này. Ông Nicholas Eftimiades – một giảng viên tại trường đại học bang Pennsylvania cho rằng: "Công nghệ hàng không vũ trụ là ục tiêu số 1 của gián điệp Trung Quốc".