Lệnh cấm Boeing 737 Max cản trở đàm phán Mỹ - Trung
Song Bắc Kinh có thể sẽ không đặt mua thêm máy bay Boeing như kỳ vọng sau khi dòng máy bay Boeing 737 Max bị cấm bay trên toàn thế giới do liên tiếp gặp tai nạn thảm khốc ở Ethiopia và Indonesia. Một quyết định như vậy có thể gây cản trở đàm phán Mỹ - Trung vốn đang có nhiều vấn đề chưa được giải quyết, theo tờ Financial Times.
Hãng hàng không Air China (Trung Quốc) tiếp nhận một máy bay Boeing 737 Max 8 vào tháng 12 năm ngoái. Ảnh: AFP
Các hãng hàng không và các công ty cho thuê tài chính Trung Quốc là các khách hàng lớn nhất bên ngoài Mỹ đặt mua Boeing 737 Max, dòng máy bay đang bị các cơ quan quản lý hàng không khắp toàn cầu cấm bay sau hai vụ rơi máy bay Boeing 737 Max khiến 346 người chết trong vòng chưa đến năm tháng. Đây là dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing, chiếm đến 80% lượng đơn hàng máy bay của hãng này.
Các hãng hàng không và các công ty cho thuê tài chính Trung Quốc đóng góp khoảng 10% đơn hàng chưa thực hiện của Boeing. Các đơn vị thành viên của Avolon, công ty cho thuê máy bay (Ireland) thuộc sở hữu của tập đoàn HNA (Trung Quốc) và công ty dịch vụ tài chính Orix (Nhật Bản) đã đặt mua hơn 100 chiếc máy bay Boeing 737 Max. Ngoài ra, công ty cho thuê máy bay BOC Avation (Trung Quốc) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cũng lần lượt mua 90 chiếc và 77 chiếc.
Vụ rơi máy bay Boeing 737 Max 8 ở Ethiopia diễn ra vào một thời điểm tệ hại đối với Boeing khi hãng này đang hy vọng sẽ được hưởng lợi nhờ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Chỉ vài ngày trước khi thảm họa xảy ra, ông Dennis Muilenburg, Giám đốc điều hành Boeing nói: “Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội kinh tế để các máy bay Boeing trở thành một phần của thỏa thuận cuối cùng và giúp xóa bỏ thêm mức chênh lệch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Trong một thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường hàng không lớn nhất toàn cầu. Boeing dự báo các hãng hàng không Trung Quốc cần mua thêm 7.700 máy bay mới trong 20 năm tới với trị giá 1.200 tỉ đô la. Hiện nay, trung bình cứ bốn máy bay mà Boeing sản xuất, có một chiếc được bán cho thị trường Trung Quốc. |
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin cho biết trước khi máy bay Boeing 737 Max bị cấm bay, Boeing kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đặt mua hơn 100 máy bay, chủ yếu là Boeing Max 737 với trị giá hơn 10 tỉ đô la.
Kỳ vọng này không phải là không có cơ sở vì năm ngoái, giữa lúc các căng thẳng thương mại với Mỹ dâng cao, Trung Quốc không ký kết bất kỳ đơn hàng nào mua máy bay Boeing.
Sau khi khuyến cáo ngừng bay Boeing 737 Max trên toàn cầu, hôm 14-3, Boeing quyết định tạm dừng giao cho các khách hàng dòng máy bay này.
Tình hình khó đoán định về Boeing 737 Max có thể gây khó khăn cho các nhà đàm phán của Trung Quốc vì họ đã cam kết mua thêm 1.200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc trong sáu năm tới. Ngoài các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng như bắp, đậu nành, dầu thô, khí đốt, danh sách mua sắm của Trung Quốc còn bao gồm máy bay Boeing.
Các nguồn tin ở Washington cho biết Trung Quốc đang chật vật tính toán để đạt được con số 1.200 tỉ đô la.
Nếu Trung Quốc đưa ra con số thấp hơn, điều này có thể khiến thỏa thuận thương mại yếu đi và làm gia tăng sự phản đối chính trị ở Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nhưng ông cũng khẳng định không chấp nhận một thỏa thuận không mang đến nhiều lợi ích cho Mỹ.
“Chúng tôi chắc chắn không thể mua dòng máy bay này. Đó là vấn đề an toàn, chứ không liên quan đến thương mại. Chúng tôi vẫn có thể mua các dòng máy bay khác của Boeing nhưng chắc chắn sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng về an toàn trước khi chấp nhận mua chúng”, ông He Weiwen, một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc và hiện nay là nhà nghiên cứu cấp cao ở Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG) ở Bắc Kinh, nói.
Đồng tình với nhận định này, Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, nói: “Nếu dòng máy bay Boeing 737 Max đang nằm trong kế hoạch tăng mua hàng hóa Mỹ như là một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc có thể sẽ thay thế chúng bằng các sản phẩm khác”.
Trong khi đó, hãng sản xuất máy bay Airbus có thể tận dụng cơ hội một khi Trung Quốc gạt bỏ phương án mua thêm máy bay của Boeing. Một trợ lý của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ rằng, có những dấu hiệu tích cực trong tiến trình đàm phán để các công ty Trung Quốc ký kết đơn hàng lớn mua máy bay thân hẹp của Airbus khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Pháp vào cuối tháng này.