|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Máy bay 'Made in China' sẽ đe dọa Boeing và Airbus?

13:49 | 04/05/2017
Chia sẻ
Dù Trung Quốc được dự báo trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới về số lượng máy bay và hành khách, máy bay C919 "Made in China" khó có thể đe dọa được Boeing và Airbus.
may bay made in china se de doa boeing va airbus
Ảnh minh họa.

Tháng 11/2015 là dấu mốc quan trọng đối với vận tải hàng không của Trung Quốc. Đó là thời điểm chiếc máy bay vận chuyển hành khách đầu tiên do chính nước này sản xuất và ra mắt công chúng. Chiếc máy bay này mang tên ARJ21, do hãng hàng không quốc gia Trung Quốc sản xuất, có 90 chỗ ngồi.

Tháng 5/2017 còn đánh dấu một sự kiện lớn hơn nữa khi công ty chế tạo máy bay Comac (Trung Quốc) chuẩn bị thử nghiệm chuyến bay đầu tiên cho chiếc máy bay lớn hơn, C919. Sản phẩm sẽ tiến vào phân khúc thị trường của Boeing và Airbus, và được dự báo sẽ tạo ra doanh số bán hàng trị giá hơn 500 tỷ USD chỉ tính riêng ở Trung Quốc trong vòng 20 năm tới.

1. Chúng ta biết gì về chiếc máy bay mới này?

Chiếc C919 có thể vận chuyển từ 158 đến 174 người, 6 ghế ngồi ngang nhau, cạnh tranh với dòng máy báy Boeing 737 và Airbus A320 trong thị trường máy bay thân hẹp. Comac đã mô tả cuộc mạo hiểm của họ như “bông hoa của ngành hàng không hiện đại”.

2. Khi nào thì “bông hoa” này sẽ nở?

Nếu mọi việc tiến triển theo đúng kế hoạch, C919 có thể đi vào hoạt động sớm nhất vào năm 2019. Cuộc thử nghiệm máy báy đã bị hoãn từ năm ngoái, dự kiến tiến hành vào ngày 5/5/2017. Chiếc ARJ21 đã mất 6 năm để chuyển từ chuyến bay đầu tiên sang hoạt động thương mại. Các giám đốc điều hành của Comac cho biết C919 “chắc chắn sẽ đi vào hoạt động sớm hơn ARJ21”.

3. Liệu Boeing và Airbus có nên lo ngại?

Còn quá sớm để nói về điều này. Nhưng có vẻ như đối thủ đến từ Trung Quốc có thể chiếm một vị trí quan trọng trong ngành này. Cụ thể, Trung Quốc đang trong kế hoạch để trở thành thị trường lớn nhất thế giới về số lượng máy bay và hành khách.

Theo ước tính của Boeing, quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ cần 6.810 máy bay, trị giá hơn 1.000 tỷ USD cho tới năm 2035. Và các chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ đoạt ngôi thị trường vận chuyển hàng không lớn nhất từ tay Mỹ (xét về số lượng hành khách) vào khoảng năm 2024.

4. C919 sẽ phù hợp ở đâu?

Máy bay thân hẹp là phân khúc đứng đầu trong thị trường Trung Quốc, nhưng Boeing cho biết dòng sản phẩm này được dự báo sẽ tạo ra khoảng 535 tỷ USD, tương đương 75% doanh số bán máy bay chở khách trong vòng hai thập kỷ tới. Boeing và Airbus đang độc chiếm phân khúc máy bay thân hẹp.

may bay made in china se de doa boeing va airbus

5. Đã có công ty nào đặt mua C919?

Comac cho biết đã nhận được đơn đặt hàng và cam kết từ 23 đơn vị để mua 570 chiếc C919 tính đến tháng 11/2016. Ngoài tập đoàn General Electronic (GE - Mỹ), các công ty còn lại đều là doanh nghiệp trong nước. China Eastern Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai Trung Quốc, sẽ là hãng đầu tiên sử dụng C919 để vận chuyển hành khách. Các điều khoản liên quan đến thương vụ vẫn chưa được công bố.

6. Liệu C919 có bay ngoài lãnh thổ Trung Quốc?

Các quan chức vận tải hàng không Trung Quốc đang thúc đẩy thỏa thuận song phương về khả năng được bay với nhà chức trách châu Âu và Mỹ vào cuối năm 2017. Động thái này nhằm mở ra đường đi cho máy bay sản xuất trong nước như C919 hoạt động trên những thị trường đó.

7. Đây là tin xấu đối với vận tải hàng không Mỹ và châu Âu?

Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa có đánh giá chính thức về vấn đề này. Trong khi các nhà sản xuất máy bay đang mất thị phần thì nhà cung cấp lại tăng lên. Ngoài C919, còn có 16 công ty quốc tế khác được tính như các nhà cung cấp, bao gồm cả GE và Honeywell International (Mỹ).

8. Tại sao Trung Quốc tham gia vào thị trường này muộn như vậy?

Trung Quốc đã cố gắng phát triển máy bay chở khách, với những nỗ lực đầu tiên bắt đầu từ năm 1970. Chiếc Y10 đã thất bại sau cuộc thử nghiệm bay vào những năm 1980. Sau đó là chiếc MD82, mẫu được hợp tác sản xuất với McDonnell Douglas nhưng đã sụp đổ sau khi Boeing mua lại đối tác trên.

Sau nhiều lần thất bại, Trung Quốc vẫn đạt được những thành tựu như hiện tại nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nội địa và tham vọng nâng cấp nền kinh tế lên sản xuất cao cấp, dựa vào những dự án như máy bay.

Lyly Cao