Máy ATM 'hết thời' tại nhiều nền kinh tế lớn của thế giới
Khi thanh toán tiền mặt giảm, các nhà băng cũng phải nhanh chóng định hình lại mô hình kinh doanh để có thể tồn tại. Các công nghệ phi tiền mặt như tiền mã hóa hay mã QR đang thay đổi tính chất của ngành dịch vụ tài chính và tạo ra những thách thức mới cho đơn vị quản lí.
Theo Nikkei, số lượng máy ATM trên toàn thế giới đã giảm lần đầu tiên trong năm 2018 xuống mốc 3,24 triệu máy (giảm khoảng 1%) vào thời điểm cuối năm, dẫn báo cáo của Retail Banking Research, một công ty nghiên cứu chuyên về công nghệ ngân hàng, thẻ và thanh toán.
Ấn Độ có mạng lưới ATM lớn thứ ba trên thế giới nhưng "tăng trưởng cũng đang chậm lại". (Ảnh: Reuters)
Tại Trung Quốc, số lượng máy ATM giảm 6,8% so với một năm trước đó về 690.000 máy. Trung Quốc hiện đang là thị trường ATM lớn nhất thế giới. Con số này tại thị trường lớn thứ hai là Mỹ cũng giảm 0,9%, về mức 433.500 triệu máy.
"Ở Trung Quốc, sự đón nhận nhanh chóng dành cho các hình thức thanh toán phi tiền mặt là nguyên nhân khiến số lượng ATM lắp đặt giảm nhanh", RBR chia sẻ.
Thanh toán qua di động sử dụng mã QR đang khiến người Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, mang theo ít tiền mặt bên mình hơn. Vì thế, họ cũng ít dịp phải tới ngân hàng hay sử dụng ATM hơn trước.
Tại Mỹ, "đóng cửa các chi nhánh khiến số lượng ATM ngân hàng ít đi", cũng theo RBR. Trong khi đó, tại Ấn Độ, thị trường ATM thứ ba thế giới, "mức độ tăng trưởng đã chậm đi rõ rệt".
Ngay cả ở những quốc gia "yêu tiền mặt" như Nhật Bản, số lượng máy ATM cũng giảm 0,2% xuống còn 202.300. Vào hôm 5/7, MUFG Bank và Sumitomo Mitsui Banking tuyên bố sẽ cho phép khách hàng sử dụng ATM của nhau. Động thái này khiến hai ông lớn này có thể đóng cửa tổng cộng từ 600 đến 700 máy ATM.
Với chi phí vận hành ATM ngày càng lớn, những chiến lược tương tự như của hai nhà băng nói trên sẽ được áp dụng nhiều hơn trong tương lai, Nikkei nhận định.
(Nguồn: Nikkei/ RBR, Việt hoá: Thái Sơn)
Nhiều ngân hàng cũng đang thực hiện đóng cửa các chi nhánh. Số lượng chi nhánh ngân hàng của 36 thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm 2,8% trong năm 2017 xuống còn 268.900, theo dữ liệu từ IMF. Được biết, số liệu này không bao gồm Anh.
Xu hướng này đang tiếp tục duy trì trogn năm 2018 khi số liệu của 30 quốc gia OECD công bố tiếp tục cho thấy số lượng chi nhánh ngân hàng giảm thêm 2,6% so với năm trước đó.
Khách hàng ngày càng sử dụng nhiều các dịch vụ ngân hàng trực tuyến khiến sự phụ thuộc vào các chi nhánh vật lý giảm xuống. JPMorgan Chase, một ngân hàng Mỹ, đang vận hành 5.028 chi nhánh vào tháng 3/2019, giảm 11% so với cùng kì 5 năm trước đó. Cùng thời điểm, lượng người dùng các dịch vụ ngân hàng qua di động tăng 110%.
Các nhà băng Nhật cũng thực hiện thu hẹp mạng lưới. Mizuho Financial Group lên kế hoạch đóng cửa 130 chi nhánh cho tới năm 2024, trong khi đó MUFG Bank cũng có kế hoạch thu hẹp mạng lưới với 180 chi nhánh đóng cửa tới năm 2023.
(Nguồn: Nikkei/ RBR, Việt hoá: Thái Sơn)
Rõ ràng, các phương thức thanh toán phi tiền mặt, bao gồm thẻ tín dụng, thanh toán không chạm, tiền số và các dịch vụ công nghệ tài chính đã gây ra những xu hướng nói trên.
Mặc dù vẫn còn 1,7 tỉ người trên thế giới chưa có tài khoản ngân hàng, 2/3 trong số này có điện thoại di động và có thể truy cập các dịch vụ tài chính trực tuyến, theo World Bank. Các dịch vụ chuyển tiền mã hóa chi phí thấp thậm chí không cần sự tham gia của ngân hàng cũng đã xuất hiện.
Hồi tháng 6, Facebook giới thiệu kế hoạch ra mắt đồng tiền mã hóa riêng mang tên gọi Libra. Mạng xã hội lớn nhất hành tinh với 2,7 tỉ người dùng đang thuyết phục các cơ quan điều hành về việc mình có thể bảo đảm dữ liệu người dùng và tính ổn định trong giá trị của đồng tiền.
Nếu Libra trở thành hiện thực, nhiều người có thể dùng nó mà không cần đến tài khoản ngân hàng.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) trong khi đó lại cảnh báo rằng những đồng tiền mã hóa nói trên có nhiều rủi ro cho những người thu nhập thấp. Thiếu tiếp cận với hệ thống thanh toán truyền thống "có thể ép người dùng sử dụng những hình thức thanh toán thiếu an toàn và thiếu kiểm soát", định chế tài chính này nhấn mạnh.