|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mặt trận mới cho căng thẳng Mỹ - Trung: Hệ thống đập thủy điện trên sông Mê Kông?

08:34 | 04/08/2020
Chia sẻ
Một nghiên cứu của Trung Quốc khẳng định, hệ thống đập thủy điện của họ không phải là nguyên nhân gây hạn hán cho các nước hạ lưu Mê Kông mà thậm chí còn là một phần của giải pháp. Trong khi đó, một nghiên cứu khác do phía Mỹ hậu thuẫn khẳng định các con đập này chính là nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn ở các nước Đông Nam Á.

Hai kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu của phía Trung Quốc do Đại học Thanh Hoa hợp tác cùng Viện Tài nguyên Nước Trung Quốc thực hiện. Nghiên cứu lập luận rằng trên thực tế, các con đập của Trung Quốc giúp giảm bớt vấn đề hạn hán bằng cách trữ nước trong mùa mưa và giải phóng vào mùa khô.

Trong khi đó, khẳng định từ nghiên cứu do phía Mỹ hậu thuẫn lại khơi mào nhiều vấn đề hơn là phát triển một cuộc thảo luận mang tính học thuật về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng khô hạn nghiêm trọng trên sông Mê Kông.

Trong năm qua, hạn hán từng khốc liệt đến mức Việt Nam phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, còn Thái Lan phải huy động quân đội đến hỗ trợ người dân.

South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích cho rằng hai tuyên bố trái ngược nêu trên là dấu hiệu của một cuộc chiến nhằm kiểm soát thái độ của các nước Đông Nam Á với Trung Quốc.

Tóm lại, sông Mê Kông đã trở thành một mặt trận mới nhất trong cuộc đụng độ giữa hai siêu cường thế giới.

Truyền thông của 5 nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam nhận định hệ thống đập thủy điện và tưới tiêu của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông đã gây ra hạn hán. Các tuyên bố trên có thêm cơ sở vào tháng 4 khi một báo cáo do hãng tư vấn Eyes on Earth kết luận rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ lại 47 tỉ m3 nước.

Báo cáo của Eyes on Earth được thực hiện theo sự hướng dẫn của Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông (LMI) và Hiệp định Đối tác Cơ sở Hạ tầng Bền vững (SIP) do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.

Tuy nhiên, nghiên cứu của phía Trung Quốc (dựa theo công trình của 8 nhà khoa học, đứng đầu là Giáo sư Tian Fuqiang) lại vẽ ra một bức tranh rất khác. Nghiên cứu khẳng định hạn hán xảy ra là do các yếu tố môi trường, như nhiệt độ cao và lượng mưa thấp.

Nghiên cứu của Trung Quốc lập luận rằng các hồ chứa nhân tạo trữ nước vào mùa mưa và giải phóng nước vào mùa khô đã giảm bớt tình trạng hạn hán trên toàn bộ sông Mê Kông chứ không chỉ vùng thượng nguồn.

Dù nghiên cứu của phía Trung Quốc không đề cập cụ thể đến báo cáo của Eyes on Earth, Thời báo Hoàn cầu cho biết phát hiện của Giáo sư Tian và các đồng nghiệp trái ngược với những "cáo buộc thiếu thận trọng của một số nhà nghiên cứu nước ngoài đang tìm cách đổ lỗi cho Trung Quốc về hạn hán ở các nước hạ lưu sông Mê Kông".

Ngoài ra, nghiên cứu của Trung Quốc cũng khẳng định nước này phải đối mặt với nguy cơ hạn hán nghiêm trọng nhất trong tất cả các quốc gia sông Mê Kông.

Mặt trận mới cho căng thẳng Mỹ - Trung: Hệ thống đập thủy điên trên sông Mê Kông? - Ảnh 1.

Một thuyền đánh cá đi dọc khu vực sông Mê Kông ở tỉnh Nong Khai (phía đông bắc Thái Lan). (Ảnh: AFP)

Nghi ngại của giới chuyên gia về các phát hiện của Trung Quốc

Nhiều chuyên gia và nhóm môi trường hiện đang đặt câu hỏi về các phát hiện của phía Trung Quốc.

Ông Marc Goichot - lãnh đạo Sáng kiến Nước Khu vực sông Mê Kông của WWF, đồng ý với Trung Quốc rằng lượng mưa thất thường là một nguyên nhân gây ra hạn hán. Tuy nhiên, ông Goichot cho rằng hoạt động của con người cũng đóng vai trò lớn.

Còn ông Brian Eyler - Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Stimson khu vực Đông Nam Á, chỉ ra rằng tình trạng hạn hán hiện vẫn diễn ra dù trong mùa mưa và báo cáo của phía Trung Quốc không nhắc đến điểm này.

Ông Eyler đề cập đến một cuộc điều tra của Trung tâm Stimson, kết quả cho thấy các đập thượng nguồn của Trung Quốc ở Nọa Trát Độ và Tiểu Loan đã giữ lại khoảng 20 tỉ m3 trong giai đoạn tháng 7 - 11/2019.

Cuộc điều tra này lấy thông tin từ hình ảnh vệ tinh và thông báo công khai của công ty điện lực China Southern Grid về việc "tối ưu hóa" các con đập. Theo ông Eyler, hạn hán sẽ còn tiếp diễn.

"Hiện nay, hình ảnh vệ tinh cho thấy các con đập này lại sắp giữ một lượng nước tương tự từ tháng 7 cho đến cuối năm nay. Mực nước tại nhánh chính sông Mê Kông lại môt lần nữa rơi xuống mức thấp kỉ lục", ông Eyler lập luận.

Nhà nghiên cứu Sebastian Biba của Đại học Goethe (Frankfurt, Đức) cũng nhất trí rằng các yếu tố môi trường như biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, nhưng vấn đề trở nên trầm trọng hơn bởi các con đập của Trung Quốc.

Mặt trận mới cho căng thẳng Mỹ - Trung: Hệ thống đập thủy điên trên sông Mê Kông? - Ảnh 2.

Ruộng đồng nứt nẻ vì hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: AFP

Giới phân tích cũng đặt câu hỏi về khẳng định khác của Trung Quốc, trong đó lập luận các đập trữ nước vào mùa mưa và giải phóng vào mùa khô là một hình thức giúp giảm bớt tình trạng hạn hán cho toàn bộ khu vực sông Mê Kông.

Ông Eyler của Trung tâm Stimson cho biết các mùa thay đổi qua lại đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái địa phương. "Quá trình chuyển đổi tự nhiên từ mùa khô sang mùa mưa và lũ lụt đi kèm thường sản sinh khoảng 15 - 20% lượng cá nước ngọt của thế giới và đảm bảo an ninh kinh tế của tất cả các nước ở hạ lưu sông", ông Eyeler cho hay.

Trong khi đó, tổ chức Thai Mekong People's Network mô tả việc trữ nước để giải phóng trong mùa khô của Trung Quốc là "không đồng bộ" với thiên nhiên, vì lũ lụt thường xảy ra trong mùa mưa.

"Mùa mưa và lũ lụt là thời điểm cá và các động vật thủy sinh khác bơi ngược dòng đến thượng nguồn sông Mê Kông và các nhánh nhỏ để sinh sản", tổ chức này tuyên bố trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan vào tháng 7 vừa qua.

Trong bài phát biểu trên, Thai Mekong People's Network đã kể chi tiết hành động của Trung Quốc gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân ở 8 tỉnh Thái Lan như thế nào.

"Vì các đập thượng nguồn trữ nước trong mùa mưa, ít nước chảy xuôi dòng xuống hạ lưu hơn, gây ảnh hưởng đến vòng đời tự nhiên của cá, ngăn nước chảy vào các vùng trũng, từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và môi trường", Thai Mekong People's Network cho hay.

Biến động mực nước thất thường do các con đập của Trung Quốc cũng dẫn đến việc xói mòn thảm thực vật, nguồn thức ăn và thu nhập cho người dân địa phương.

Một báo cáo chung của Hiệp hội Đối tác Mê Kông Australia về Hệ thống Năng lượng và Tài nguyên Môi trường (Amperes) và Đại học Aalto (Phần Lan) cho rằng cần phải có thêm bằng chứng để củng cố lập luận của Đại học Thanh Hoa về vai trò của các đập nước trong vấn đề giảm bớt tình trạng khô hạn ở hạ lưu sông Mê Kông.

Ông Eyler của Trung tâm Stimson còn cho biết trong quá khứ, lũ lụt không được coi là thảm họa ở sông Mê Kông. Một nghiên cứu của Ủy ban sông Mê Kông (MRC) năm 2017 ước tính lũ lụt trong mùa mưa mang lại lợi ích kinh tế hành năm trong khoảng 8 - 10 tỉ USD, trong khi gây ra chưa đến 70 triệu USD thiệt hại.

"Như vậy, lợi ích của dòng chảy tự nhiên lớn hơn thiệt hại của lũ lụt 100 lần. Dòng chảy tự nhiên trên sông Mê Kông củng cố an ninh kinh tế của các nước hạ lưu sông. Hành động đảo ngược dòng chảy thông qua vận hành các đập thượng nguồn của Trung Quốc....sẽ phá hủy sự ổn định của khu vực sông Mê Kông", ông Eyler lập luận.

So với khi dòng chảy còn diễn ra tự nhiên vào đầu những năm 1990, MRC còn ước tính lượng trầm tích trên sông Mê Kông hiện đã giảm 77%.

"Kết quả là, lòng sông Mê Kông đang mất dần độ cao, vùng đồng bằng đang chìm và co lại, từ đó làm giảm thêm nguồn cung nước ngọt trong khu vực", ông Goichot của Sáng kiến Khu vực sông Mê Kông cho hay.

MRC chỉ đồng ý với báo cáo của phía Trung Quốc ở một điểm: Hạn hán có thể gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và tần suất trong tương lai.

Sông Mê Kông - mặt trận đụng độ mới của Mỹ và Trung Quốc

Ông Sebastian Biba của Đại học Goethe cho rằng hai bản báo cáo mâu thuẫn từ phía Trung Quốc và Mỹ là dấu hiệu cho thấy sông Mê Kông đã biến thành một mặt trận địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh.

Điểm này cũng đã được Amperes đề cập trong báo cáo hồi tháng 4 của công ty này. Khi đó, Amperes nhận thấy nghiên cứu của Eyes on Earth không dứt khoát và kết luận vượt xa những gì bằng chứng đưa ra.

Cảnh báo về hành vi "chính trị hóa dữ liệu", Amperes cho biết sự bóp méo hoặc triệt tiêu dữ liệu có chọn lọc "cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực gây ảnh hưởng lên cuộc tranh luận và điều chỉnh kết quả theo hướng có lợi cho họ".

"Tác động đến tình trạng hạn hán ở khu vực sông Mê Kông mang lại cơ hội chiến lược cho các bên, giúp họ có thể sử dụng dữ liệu để leo thang hoặc làm giảm leo thang căng thẳng nhằm đạt được mục đích chính trị của mỗi bên", Amperes cho hay.

Về điểm này, ông Biba nói Trung Quốc lại đang gây bất lợi cho mình vì không muốn chia sẻ thông tin với các nước khác.

"Dữ liệu có sẵn nên Trung Quốc có thể chia sẻ với các nước. Thái độ chần chừ của Trung Quốc càng cho thấy họ có gì đó cần che giấu. Việc Trung Quốc thực chất có trữ nước lại hay không không còn quan trọng, thiệt hại đã ở ngay trước mắt", Amperes nêu rõ.

Nhà phân tích Biba nhận định, các nước hạ lưu sông Mê Kông, các nhóm hoạt động trong khu vực,...đều bắt đầu mất niềm tin vào Trung Quốc và ý định của họ.

Ông Goichot cũng đồng ý. Đồng thời, vị chuyên gia này đề xuất 6 nước dọc sông Mê Kông nên xây dựng một hệ thống giám sát mực nước, giải pháp này có thể khắc phục được vấn đề về lòng tin.

Yên Khê