|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mất ngủ ảnh hưởng thế nào đến cơ hội thăng tiến và thành công?

04:44 | 15/08/2020
Chia sẻ
Bạn có thể dành nhiều đêm không ngủ để hoàn thành công việc mà không biết đến tác hại lâu dài của chứng mất ngủ đối với cơ hội thăng tiến và thành công của chính mình.

Thiếu ngủ mãn tính hiện nay là một trong những triệu chứng phổ biến nhất ở dân văn phòng, giới khởi nghiệp và cả sinh viên. Khoảng 25% người Mỹ mắc chứng mất ngủ và một số lượng người tương đương thường xuyên buồn ngủ quá mức, theo Havard Business Review (HBR).

Dù các nhà khoa học đã chứng minh rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ mắc ung thư, trầm cảm và các bệnh về tim mạch, cuộc sống hiện đại dường như không thể tránh khỏi thói quen này. Thậm chí đây còn được xem là dấu hiệu của những người chăm chỉ và thành công.

Tuy nhiên, các nghiên cứu siêu phân tích gần đây cho thấy thiếu ngủ là yếu tố gây ức chế mạnh mẽ hiệu suất làm việc, gây mất tập trung và tạo ra cảm giác tiêu cực. Triệu chứng này cũng dẫn đến bất lợi trong cải thiện năng suất, cơ hội thăng tiến và sự hài lòng về nghề nghiệp, gia tăng các tai nạn lao động, dẫn đến tình trạng nghỉ việc, bị sa thải hay hành vi xấu. 

Ngược lại, giấc ngủ tốt có thể cải thiện trí nhớ, khả năng tiếp thu kiến thức và học tập. Ngay cả những giấc ngủ ngắn cũng được chứng minh là có tác động tích cực đáng kể đến hiệu suất làm việc.

Mặt khác, những khác biệt cá nhân mang tính hệ thống về cả số lượng và chất lượng giấc ngủ của mỗi tuýp người đặc trưng không đủ để giải thích sự khác biệt về chênh lệch hiệu suất làm việc. Như bất đặc điểm tâm hoặc khuynh hướng hành vi nào khác, những khác biệt này một phần có thể bắt nguồn từ yếu tố di truyền. 

Mất ngủ ảnh hưởng thế nào đến cơ hội thăng tiến và thành công? - Ảnh 1.

Mất ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trình độ và kết quả học tập, làm việc của mỗi người. (Ảnh: HBR)

Kết luận này cho thấy khi đặt các thông số chung sang một bên, thời lượng và chất lượng giấc ngủ mỗi người cần có để đảm bảo năng suất phụ thuộc vào quyết định cá nhân (không chỉ bao gồm tuổi tác và tình trạng sức khỏe chung, mà còn cả tính cách và đặc điểm sinh học riêng biệt của mỗi người). 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thường nghe nói rằng những người thành công có xu hướng ngủ rất ít. Nữ CEO lừng danh của Pepsi, Indra Nooyi, chỉ ngủ 4 giờ mỗi ngày và tỉ phú Tom Ford thậm chí chỉ cần 3 giờ. Ông trùm đường biển Ari Onassis từng nói: "Đừng ngủ quá nhiều hoặc bạn sẽ thức dậy như một kẻ thất bại. Nếu bạn ngủ ít hơn 3 giờ mỗi đêm trong một năm, bạn sẽ có thêm một tháng rưỡi để thành công".

Tuy nhiên, những câu chuyện như vậy hiếm khi được khoa học ủng hộ và hầu hết các giai thoại truyền miệng này không phải là sự kiện được kiểm tra. Vậy, chúng ta biết gì về mối liên hệ thực tế giữa chứng mất ngủ và thành công? 

Nếu chúng ta dành khoảng 2/3 thời gian trưởng thành của mình cho hai hoạt động này thì quan hệ ở đây là gì? Các chuyên gia của HBR đã đưa ra 3 bài học quan trọng được khoa học chứng minh.

Mất ngủ ảnh hưởng đến trình độ và kết quả học tập

Rất nhiều nghiên cứu tâm cho thấy trước khi gây ra rất nhiều vấn đề về hiệu suất làm việc ở các doanh nghiệp, rối loạn giấc ngủ khá phổ biến trong giới học sinh, sinh viên ở những năm học phổ thông và đại học. 

Những nghiên cứu này và các nghiên cứu liên quan xác nhận mối liên hệ mạnh mẽ giữa các vấn đề về giấc ngủ và lâm sàng ngay cả trong thời thơ ấu. Những học sinh mắc chứng khó ngủ thường có kết quả học tập và trình độ học vấn thấp hơn đáng kể và họ chiếm số lượng khá lớn. 

Vì trình độ học vấn, bao gồm cả kết quả các thi ở trường và học tập, là yếu tố quyết định cho giai đoạn tiếp theo của một người trưởng thành, không thể phủ nhận hậu quả lâu dài của triệu chứng mất ngủ ở giai đoạn vị thành niên. 

Các đánh giá phân tích tổng hợp cho thấy thời gian bắt đầu các lớp học muộn hơn có thể cải thiện đáng kể kết quả học tập của học sinh, bắt nguồn từ giấc ngủ. Có lẽ nguyên nhân là do những người trẻ có khuynh hướng tự nhiên (hoặc bị cám dỗ) thức khuya và ngủ muộn hơn.

Giấc ngủ ảnh hưởng đến các mối quan hệ với đồng nghiệp 

Ngành công nghiệp thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp, gắn kết con người hiện nay có trị giá hàng tỉ USD. Để cải thiện mức độ tương tác của nhân viên, mức độ nhiệt tình, hài lòng và năng suất của họ, ban quản và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi số tiền khổng lồ. 

Dù phần lớn số tiền này dành cho việc thay đổi thiết kế văn phòng, thức ăn ở căng tin hay các hoạt động tập thể ngoài trời thú vị, hiếm có một chương trình đào tạo nào ở quy mô doanh nghiệp nói về tầm quan trọng của chất lượng giấc ngủ trong chất lượng tương tác và làm việc của nhân viên. 

Điều quan trọng là không như những yếu tố khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát (năng lực nhà quản lí, quy mô tổ chức, văn hóa doanh nghiệp...), giấc ngủ hoàn toàn có thể điều chỉnh và có những lợi ích rõ ràng nếu bạn thực hiện.

Vai trò lãnh đạo có yếu tố quan trọng từ giấc ngủ 

Trong khi các nhà lãnh đạo năng lực kém có xu hướng căng thẳng và xa lánh nhân viên, tự làm hỏng chất lượng giấc ngủ của mình, một lãnh đạo tốt sẽ tìm cách hạn chế tối đa tác động bất lợi do thói quen ngủ kém đem lại. 

Để đảm bảo hiệu suất cao nhất, các nhà lãnh đạo không chỉ cần năng lực mà còn phải duy trì thói quen nghỉ ngơi lành mạnh, tránh những giấc ngủ chất lượng thấp. Ngay cả những nhà lãnh đạo tốt cũng có nhiều khả năng thực hiện hành vi phi đạo đức hoặc lạm dụng quyền lực nếu bị thiếu ngủ. 

Vì vậy, ngủ nhiều hơn (và tốt hơn) sẽ đóng góp đáng kể cho sự nghiệp của bạn và càng cải thiện thói quen ngủ sớm thì bạn càng có nhiều tiềm năng thăng tiến hơn bao giờ hết. Nếu bạn đang cảm thấy tự hào về thói quen ngủ ít (ngay cả khi bạn sử dụng thời gian đó để làm việc), rất có thể sức khỏe, hiệu suất và sự nghiệp của bạn đang bị ảnh hưởng xấu về dài hạn. 

Thu Phương