Mạnh tay với hành vi giả mạo xuất xứ hàng hoá Việt Nam
Nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu sẽ không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế
Nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là rất cao
Trước khi làm rõ các thủ đoạn giả mạo xuất xứ hàng hoá Việt Nam, ông Tuấn thông báo, trong thời gian qua, mọt số thị trường xuất khẩu của VIệt Nam có tốc độ gia tăng kim ngạch rất cao, thậm chí là đột biến. Trong đó nổi lên là thị trường Hoa Kỳ.
Cụ thể, trị giá hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong năm 2018 đạt 47,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2017. Và trong 5 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu đã đạt 22,72 tỷ USD, tăng cao tới 29% so với năm 2018.
“5 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 22,5% trong tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam với tất cả các thị trường trên thế giới” – ông Tuấn đưa số liệu và cho biết, các mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất là các nhóm hàng điện thoại các loại, linh kiện (đạt 3,77 tỷ USD, tăng 92%); máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 1,79 tỷ USD, tăng 72%); máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng (đạt 1,69 tỷ USD, tăng 54%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 1,84 tỷ USD, tăng 35%)…
Ông Tuấn dự báo xu hướng xuất khẩu vào thị trường này còn tăng mạnh trong những tháng cuối năm và tốc độ tăng trưởng cao dễ dẫn đến nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nếu phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ.
Đặc biệt, việc Việt Nam ra nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và CPTPP, VEFTA cũng như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Hàn Quốc – UE, Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho công tác quản lý hải quan đối với vấn đề C/O, đặc biệt là C/O hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường này để hưởng ưu đãi thuế quan. Trong khi Trung Quốc và Việt Nam hiện có các khu thương mại xuyên biên giới với hàng hóa Trung Quốc sản xuất tại đây có thể mang nhãn xuất xứ từ Việt Nam và từ đó tránh được các loại thuế vào Mỹ và EU. Bên cạnh đó việc thực thi IPR tại Việt Nam từ quy định pháp luật đến thực tiến còn rất nhiều hạn chế dẫn tới nguy cơ hàng hóa gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ, EU và thị trường các nước đối tác FTA là không thể tránh khỏi.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi, trắng trợn
Nói về thủ đoạn giả mạo xuất xứ hàng hoá, ông Tuấn cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát, quản lý khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và kiểm tra sau thông quan, thanh tra của cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa.
Theo đó, trong hoạt động ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhiều loại hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ, trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.
Ông Âu Anh Tuấn: Hải quan sẽ xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện sớm các trường hợp gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hoá, nhất là một số mặt hàng trọng điểm có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn
Bên cạnh đó, nhiều hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”…
Đặc biệt đối với xuất xứ hàng hóa, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có cả DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp. Tuy nhiên, dù hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khi xuất khẩu lại khai xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.
Nhiều thương nhân đã thành lập công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước hoặc xuất khẩu.
Quyết liệt đấu tranh phòng, chống gian lận xuất xứ
Trước diễn biến trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tiến hành rà soát kim ngạch xuất khẩu của một số nhóm hàng có nghi vấn để xử lý.
Điển hình, từ thời điểm từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu đã thống kê có 90 công ty thực hiện xuất khẩu gỗ ván ép HS4412 từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ với tổng kim ngạch đạt hơn 200 triệu USD. Trong đó, cơ quan chức năng thấy nổi lên trong đó một số doanh nghiệp có chủ sở hữu là người Trung Quốc hoặc góp vốn với người Trung Quốc và một số doanh nghiệp khác có dấu hiệu xuất khẩu tăng đột biến để đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Cùng với đó, cơ quan Hải quan cũng đã tăng cường phối hợp với Hải quan các nước trong việc trao đổi thông tin, xác minh về việc gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và chủ động thu thập thông tin về các mặt hàng bị các thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản... áp dụng thuế chống bán phá giá cụ thể đối với từng nước.
Về phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai thực hiện Đề án“ Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mai và gian lận xuất xứ” theo Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện quy trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Tổng cục Hải quan cũng đã hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận trong việc nhập khẩu hàng hóa, gian lận xuất xứ.
Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện sớm các trường hợp gian lận, giả mạo xuất xứ nhằm xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến về số lượng, kim ngạch và đẩy mạnh thu thập thông tin, kiểm tra đối với các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn giả mạo C/O, nhất là một số mặt hàng trọng điểm có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn để điều tra làm rõ và xem xét khởi tố, đề nghị khởi tố vụ án hình sự đối với các tổ chức, cá nhận vi phạm.