|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Mảnh ghép' còn thiếu trong triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19

06:53 | 23/09/2020
Chia sẻ
Trang mạng Project Syndicate tuần qua đăng bài viết phân tích về triển vọng phục hồi của thế giới sau đại dịch COVID-19.
'Mảnh ghép' còn thiếu trong triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Trụ sở Cụ Dự trữ Liên bang Mỹ. (Nguồn: TTXVN/AFP).

Theo bài viết, niềm tin sẽ là chìa khóa đối với sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 và sự suy thoái. Tuy vậy, trong 10 năm qua, lòng tin của người dân vào các chính phủ, các tổ chức công và tư đã giảm sút mạnh ở nhiều nền kinh tế phát triển.

Điển hình là trong các thời kỳ bất ổn sâu, giá vàng đã tăng chóng mặt trong những tháng gần đây.

Lòng tin đang xuống "đáy" hiện nay không có gì là đáng ngạc nhiên. Cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ lan rộng toàn cầu và chưa từng có về nhiều mặt, mà còn rất mơ hồ.

Trong khi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng leo thang và gây ra một sự sụp đổ trong nền kinh tế thực, các thị trường tài chính đã bùng nổ.

Cũng như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đại dịch COVID-19 đã làm suy yếu rõ rệt niềm tin của công chúng vào chuyên môn. Các thuyết âm mưu và luận điệu chính trị bác bỏ khoa học đã trở nên phổ biến.

Nếu công chúng đã không còn tin tưởng vào các khuyến nghị của các nhà khoa học và các chuyên gia tài chính thì cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài.

Niềm tin có thể chiếm ưu thế, nhưng chỉ khi chúng ta bắt đầu hướng tới một mô hình và thể chế kinh tế mới.

Và điều đó đồng nghĩa là giải quyết sự hoài nghi ngày càng gia tăng của công chúng đối với các thể chế quan trọng nhất – từ các ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính quốc tế tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới học thuật – chưa tính đến các "đại gia" công nghệ (Big Tech).

Những hoài nghi này hiện không chỉ còn tập trung ở những người theo chủ nghĩa dân túy nữa, mà cả những người sống bên lề xã hội. Tại nước Mỹ, khoảng 30% những người được hỏi tin rằng, virus SARS-CoV-2 được tạo ra từ phòng thí nghiệm và 35% nói rằng họ sẽ từ chối tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách hiện đặt câu hỏi về việc chính sách tài khóa và tiền tệ có thể và nên đi xa như thế nào trong việc bảo trợ nền kinh tế. Kể từ khi được tái khởi động vào hồi tháng Ba, chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mua các tài sản với tốc độ khoảng 2 tỷ USD/giờ.

Những tác động của một chính sách như vậy là gì? Liệu Phố Wall có thể tăng cao bao lâu nữa trong khi Phố Chính (Main Street - chỉ các doanh nghiệp nhỏ, độc lập tại Mỹ) đang rơi tự do?

Chưa bao giờ tiền lại có sẵn cho nhiều người một cách nhanh chóng như vậy. Trong khoảng thời gian chỉ vài tháng, mức độ chi của nước Mỹ đã vượt xa cuộc khủng hoảng hồi năm 2008.

Việc huy động các nguồn lực tài chính (cả số lượng và chất lượng) trên một quy mô chưa từng có đã chứng tỏ sức mạnh tuyệt đối của tài chính trong việc bảo vệ hoặc định hướng lại toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, với việc mất sự kết nối ngày càng tăng giữa Phố Wall và Phố Chính, nó có thể dẫn đến các thách thức về chính trị.

Song điều này chỉ có thể kéo dài chừng nào vẫn còn lòng tin vừa đủ vào hệ thống. Nếu như lòng tin của công chúng vào các ngân hàng trung ương đột nhiên "bốc hơi", hệ thống tài chính sẽ sụp đổ.

Và nếu như có đủ số người từ chối tiếp tục bỏ qua việc làm giàu nhanh chóng của một số ít cá nhân trong khi rất nhiều người khác đang bị bần cùng hóa, thì nền dân chủ tự do sẽ gặp nguy hiểm.

Các cảnh báo tương tự có thể được đưa ra đối với ngành khoa học. Chưa bao giờ kể cả trong giai đoạn trước khi đại dịch bùng phát, việc nghiên cứu và chia sẽ dữ liệu xảy ra với tộc độ nhanh chóng như vậy.

Chưa bao giờ nhiều người đến từ nhiều quốc gia lại cùng nhau theo đuổi một mục tiêu tương tự: phát triển một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả. Cuộc vận động cộng đồng này rất thú vị, nhưng cũng đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay.

Trong ngắn hạn, sự mất lòng tin ngày càng tăng của của các chuyên gia y tế đe dọa làm giảm hiệu quả của việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

'Mảnh ghép' còn thiếu trong triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại cuộc vận động tranh cử tại Latrobe, bang Pennsylvania. (Nguồn: TTXVN/AFP).

Sự đảo ngược gần đây về việc liệu hydroxychloroquine có nên được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 đã khiến nhiều người trong công chúng ngày càng ít tin tưởng vào các lãnh đạo của họ.

Và các báo cáo rằng, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã can thiệp vào công việc của các cơ quan y tế công cộng đã làm cho những nghi ngờ đó ngày càng tăng trong một số trường  hợp.

Ở cấp độ toàn cầu, cũng có những câu hỏi đặt ra là liệu vắc-xin có được phân phối một cách công bằng và theo nhu cầu chính đáng hay không? Và trong bối cảnh rộng lớn hơn về suy giảm lòng tin vào chuyên môn, người ta tự hỏi liệu mức độ tài trợ nghiên cứu khoa học và y học hiện tại có được duy trì.

Nghiên cứu khoa học và công nghệ là điều cần thiết để giải quyết các vấn đề, từ biến đổi khí hậu cho đến bất bình đẳng và hiện đang có nhu cầu gia tăng về các thết bị y tế thông minh, các hệ thống học từ xa, các loại kháng sinh và dược phẩm mới để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng trong tương lai.

Xét tới những rủi ro, các chính phủ đơn giản không thể để lòng tin của công chúng bị xói mòn thêm. Đối với các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính và khoa học, nhiệm vụ hiện nay là xây dựng các quy tắc mạnh mẽ và minh bạch, nhằm đảm bảo các tiến trình ra quyết sách được rõ ràng và có thể đánh giá được bởi các nhà hoạch định chính sách, truyền thông và công chúng.

Mục tiêu chung là phải trao quyền cho mọi người dân và khôi phục lòng tin của họ. Điều này đồng nghĩa là giải thích rõ ràng những mối rủi ro đe dọa, chịu trách nhiệm giải trình và thừa nhận những biện pháp không hiệu quả.

Trong một môi trường truyền thông mà ngày càng có xu hướng thông tin sai lệch, các nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực tài chính và khoa học phải chủ động thu hút công chúng.

Nhưng chúng ta cũng không nên tự đánh lừa mình rằng hệ thống chỉ cần được “vá lại”. Việc thiết kế lại toàn bộ hệ thống đang được tiến hành, nhằm đảm bảo rằng các thể chế của chúng ta đang phục vụ lợi ích chung. Lòng tin đang trở nên khan hiếm, dù nhu cầu về loại “hàng hóa” dễ bay hơi này đang lên cao.

Không thể phủ nhận rằng việc khôi phục lòng tin không dễ dàng. Nhưng để vượt qua cuộc khủng hoảng ngày nay và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai, chúng ta bắt buộc phải thực hiện điều đó./.

Khắc Hiếu