|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Màn tái hợp lạ kì giữa KIDO và 'ông vua' ngành kem Việt

11:51 | 27/05/2020
Chia sẻ
Sau hơn 3 năm đại chúng hóa, KIDO Foods đang chuẩn bị trở về với vòng tay công ty mẹ KIDO, phương án được kì vọng giúp nâng cao hiệu quả, khắc phục hạn chế tồn tại của một doanh nghiệp qui mô trung bình.
KDF kì vọng gì sau thương vụ sáp nhập vào công ty mẹ KDC? - Ảnh 1.

Ảnh: Báo Đầu tư

Màn tái hợp sau hơn 3 năm

Hiện tượng bộ đôi cổ phiếu của CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) và CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods - Mã: KDF) tăng giá mạnh trong khoảng thời gian qua thu hút sự chú ý của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong vòng chưa đầy một tháng, cổ phiếu KDC tăng gần 80% trong khi cổ phiếu KDF tăng trên 40%, vượt qua vùng giá trên 30.000 đồng mỗi đơn vị. 

Đã có những đồn đoán nhất định trên thị trường xung quanh hiện tượng tăng giá này, tuy nhiên thông tin tiết lộ trong tài liệu họp ĐHĐCĐ của cả KDC và KDF mới đây có thể là câu trả lời. 

Cụ thể, hai công ty trình phương án sáp nhập KDF vào KDC với tỉ lệ hoán đổi 1:1,3, tức mỗi cổ phiếu KDF đổi 1,3 cổ phiếu KDC. Phía Tập đoàn KIDO sẽ phát hành thêm 23,1 triệu cổ phiếu để hoán đổi với lượng đang lưu hành của KIDO Foods, gần 17,8 triệu đơn vị. 

Sau khi thực hiện hoán đổi, KIDO Foods thuộc sở hữu toàn bộ của KIDO, và cổ phiếu công ty KDF bị hủy giao dịch trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng như hủy đăng kí trên Trung tâm Lưu kí Chứng khoán (VSD).

Quay trở lại quá khứ, nhà đầu tư sẽ thấy đây là một thương vụ M&A khá thú vị. 

Tháng 3/2017, KIDO khi đó là công ty mẹ nắm gần 100% KDF ra thông báo chào bán 11,2 triệu cổ phiếu công ty này với giá 52.000 đồng mỗi đơn vị nhằm từng bước đại chúng hóa. 

Gần nửa năm sau, KIDO tiếp tục chuyển nhượng 14,8% cổ phần KDF cho nhà đầu tư chiến lược và người lao động . Trong đó bán cho người lao động 10% cổ phần, mức giá 25.000 đồng và bên chiến lược 4,8% với giá 40.000 đồng. 

Sau các giao dịch bán vốn, tỉ lệ sở hữu của KIDO với KDF giảm xuống 65%. 

Một thực tế cần lưu ý rằng, sau khi giao dịch trên sàn UPCoM từ tháng 9/2017, cổ phiếu KDF lao dốc không phanh, từ trên 50.000 đồng, giảm còn khoảng 17.000 đồng vào đầu năm 2019. Thanh khoản cổ phiếu KDF trên thị trường cũng không lớn, nhiều nhất cũng chỉ đạt vài chục nghìn đơn vị. Điều này cho thấy rằng, dù đã đại chúng hóa, nhưng cơ cấu cổ đông của KDF vẫn khá cô đặc. 

Trong tài liệu sáp nhập, ban lãnh đạo KIDO Foods cho biết rằng với cơ cấu cổ đông độc lập giữa hai công ty, KIDO không thể tập trung toàn lực để hỗ trợ KDF cũng như giúp đỡ công ty con tận dụng triệt để các lợi thế về tài chính, quản trị và chiến lược của tập đoàn mẹ. Do đó, HĐQT xác định, việc sáp nhập công ty con vào công ty mẹ là hoàn toàn cần thiết.

Sau sáp nhập, HĐQT cho rằng KIDO Foods sẽ khắc phục được những hạn chế còn tồn tại của một doanh nghiệp sản xuất đơn lẻ với qui mô trung bình, cũng như đem lại lợi ích cho cổ đông thông qua việc hoán đổi cổ phiếu. Đối với KIDO, với sự tham gia của ba công ty con cùng giao dịch trên sàn chứng khoán (TAC, KDF và VOC), Tập đoàn sẽ phát triển mạnh mẽ cả về qui mô hoạt động và hệ thống quản lí vận hành...

Sau hợp nhất, KIDO lên kế hoạch doanh thu 8.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 253 tỉ cho năm 2020. Sang năm 2021, doanh thu kì vọng đạt 10.800 tỉ đồng, lãi sau thuế 607 tỉ đồng. Cổ tức duy trì 16% cho hai năm. Với riêng KDF, trong năm nay doanh thu dự kiến 1.366 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 195 tỉ đồng, tương đương năm ngoái.

Ông vua ngành kem, nắm trên 41% thị phần

CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods) được thành lập vào năm 2003 khi Kinh Đô (tên gọi trước đây của KIDO) mua lại nhà máy kem Wall's từ Unilever để kinh doanh với vốn điều lệ khi đó là 30 tỉ đồng. Đến nay, vốn điều lệ của KIDO Foods tăng gần 18 lần, đạt 560 tỉ đồng. 

Các sản phẩm chính của KIDO bao gồm nhóm sản phẩm kem, nhóm sản phẩm sữa chua và nhóm sản phẩm đông bánh bao cấp lạnh và thực phẩm đông lạnh khác với doanh thu hàng năm liên tục ghi nhận tăng trưởng, lên tới hàng nghìn tỉ đồng. 

Tuy nhiên đến năm 2018, hoạt động kinh doanh của ông lớn ngành kem Việt bất ngờ chững lại, doanh thu giảm 16%; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 27 tỉ đồng, giảm 82% so với năm trước.

Kết quả kinh doanh hồi phục trở lại vào năm 2019, doanh thu đạt 1.383 tỉ đồng tăng 10%, lãi sau thuế gấp 5 lần đạt 143 tỉ đồng. Điều này đến nhờ công ty tập trung vào các sản phẩm kem cốt lõi, phát triển kênh phân phối...

KDF kì vọng gì sau thương vụ sáp nhập vào công ty mẹ KDC? - Ảnh 2.

Ảnh: Thu Thảo tổng hợp từ BCTC của KDF

Xét về cơ cấu doanh thu, nhóm sản phẩm kem luôn giữ vai trò dẫn dắt với tỉ trọng tăng dần qua các năm. Mảng này đóng góp khoảng 73% trong tổng doanh thu năm 2016, sau đó tăng lên 79% năm 2017 và đạt mức 82% năm 2018.

Hệ thống kênh phân phối của KIDO Foods rộng khắp với 50.000 tủ kem trên toàn quốc, các sản phẩm được bày bán tại 4.600 siêu thị và các cửa hàng tiện lợi.

KIDO Foods sở hữu hai nhãn kem nổi tiếng trên thị trường là Merino và Celano. Thị phần trong ngành cũng từng bước được cải thiện từ 35% năm 2015 lên 41% năm 2019. Trong tương lai, KIDO Foods được kì vọng tiếp tục hưởng lợi nhờ dự báo tốc độ tăng trưởng kép ngành kem (CAGR) khoảng 7%. 

KDF kì vọng gì sau thương vụ sáp nhập vào công ty mẹ KDC? - Ảnh 3.

Ảnh: Thu Thảo tổng hợp từ BCTN của KDF

Thu Thảo