|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mặc cho Starbucks tăng giá nhiều lần trong năm, khách hàng vẫn liên tục chốt đơn giúp doanh thu công ty tăng mạnh

07:46 | 08/02/2022
Chia sẻ
Theo các lãnh đạo của Starbucks, việc tăng giá sản phẩm của công ty nhằm mục đích bù đắp cho tỷ lệ lạm phát cũng như chi phí nhân công tăng cao.

Theo tờ CNN, hãng cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks đã tăng giá sản phẩm khi tỷ lệ lạm phát và chi phí nhân công đều tăng. Điều đáng nói là họ dự kiến sẽ còn tăng giá nhiều lần trong năm nay.

Giám đốc điều hành Kevin Johnson lưu ý rằng chuỗi cà phê này đã tăng giá tại Mỹ vào tháng 10/2021 và tiếp tục tăng giá một lần nữa vào tháng trước, tức tháng 1. Ông nói thêm rằng công ty đang có kế hoạch tăng giá nhiều hơn nữa trong năm nay.

"Chúng tôi có các hành động định giá bổ sung được lên kế hoạch thông qua số dư của năm nay. Việc tăng giá đóng một vai trò quan trọng để giảm thiểu áp lực về mặt chi phí, bao gồm cả lạm phát", theo ông Kevin Johnson.

Tuy nhiên, việc Starbucks tăng giá không khiến khách hàng của họ cảm thấy lo sợ về mức giá mới cho những chiếc bánh mocha Fraps hay cà phê vani. Ông Johnson cho biết: "Kể cả khi tăng giá, chúng tôi vẫn nhận thấy nhu cầu lớn từ phía khách hàng của mình trong suốt mùa lễ hội đầu năm".

Trong quý IV/2021, doanh số bán hàng tại các cửa hàng Starbucks đã mở ít nhất 13 tháng tăng 13% trên toàn cầu và 18% tính riêng ở Bắc Mỹ, một phần nhờ việc tăng giá sản phảm.

John Culver, Giám đốc điều hành Starbucks tiết lộ: "Chúng tôi chưa nhận thấy bất kỳ tác động tiêu cực nào đến từ phía khách hàng. Ngược lại, chúng tôi còn thấy nhu cầu của họ tăng lên".

Đó là một ví dụ khác về việc giá cả các mặt hàng tại Mỹ tăng trên diện rộng, đánh vào ví tiền của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ, một thước đo lạm phát quan trọng, đã tăng 7% trong năm ngoái, trước khi có những điều chỉnh theo mùa. Đó là mức tăng đột biến lớn nhất kể từ tháng 6/1982, và cao hơn dự đoán của các chuyên gia kinh tế.

Mặc cho Starbucks tăng giá nhiều lần trong năm, khách hàng vẫn liên tục chốt đơn giúp doanh số công ty tăng cao - Ảnh 1.

Starbucks tăng giá nhưng khách hàng vẫn không quá quan tâm. (Ảnh: CNN).

Giống như nhiều công ty khác, ngoài lạm phát, Starbucks cũng đang phải đối mặt với chi phí nhân công cao hơn. Một số nhà tuyển dụng lớn đang tăng lương trong nỗ lực thu hút người lao động, đặc biệt là những đơn vị kinh doanh nhà hàng, vốn đang gặp khó khăn trong việc thuê nhân công từ nguồn lao động cạn kiệt.

Starbucks cũng không phải là ngoại lệ. Vào tháng 10/2021, công ty cho biết sẽ tăng lương lên ít nhất 15 USD/giờ đối với nhân viên pha chế. Hầu hết nhân viên pha chế của công ty sẽ kiếm được trung bình 17 USD/giờ trong mùa hè.

Tuy nhiên, việc tăng giá vẫn chưa làm giảm bớt tất cả áp lực đối với Starbucks: Ngay cả khi tăng giá, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của công ty trong quý IV/2021 là 0,69 USD, thấp hơn kỳ vọng của các chuyên gia tài chính Phố Wall.

Starbucks không phải là đơn vị duy nhất tăng giá sản phẩm. Năm ngoái, giá cả tại các nhà hàng đã tăng 6%, theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố trong tháng 1.

Dù vậy, người tiêu dùng cũng chấp nhận các mức phí cao hơn ở những nhà hàng khác. Một chuỗi cửa hàng có tên Little Caesars gần đây đã tăng giá bánh pizza Hot-N-Ready đặc trưng của mình. Thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng Chipotle của Mỹ cũng tăng giá.

Ông lớn trong ngành thức ăn nhanh là McDonald's đã tăng giá thực đơn khoảng 6% trong năm ngoái để bù đắp cho chi phí thực phẩm, đóng gói và nhân công. Tuy nhiên, những đợt tăng giá đó không khiến khách hàng của họ phải phàn nàn quá nhiều. 

Trên thực tế, doanh số bán hàng tại các cửa hàng McDonald's ở Mỹ mở ít nhất 13 tháng tăng 13,8% vào năm ngoái, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ khi McDonald's bắt đầu báo cáo doanh số tương đương vào năm 1993.

Quốc Anh