Mặc cho Mỹ áp thuế cao, thép Việt được dự báo tăng trưởng 17 - 18% trong năm nay
Phó chủ tịch Hiệp hội thép: Quyết định áp thuế thép 250% của Mỹ có thể bị vô hiệu hóa trong năm nay |
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam liên tục phải đối mặt với các vụ điều tra và áp thuế từ phía Mỹ và EU liên quan đến ngành thép. Cụ thể, ngày 8/3, Mỹ chính thức tuyên bố áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ các nước trong đó có Việt Nam.
Mặc cho Mỹ áp thuế cao, thép Việt được dự báo tăng trưởng 17 - 18% trong năm nay. Ảnh minh họa |
Lý do Mỹ đưa ra là thép nhập khẩu đe dọa tới an ninh nước này, theo mục 232 đạo luật mở rộng thương mại năm 1962. Tuy nhiên sau đó, Mỹ miễn trừ mức thuế trên cho một số nước như Mexico, Canada, EU nhưng không có Việt Nam. Hai tháng sau, ngày 21/5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cho biết sẽ áp mức thuế chống bán phá giá là 199,76% cũng như thuế đặc biệt 256,44% lên sản phẩm thép cuộn từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc Trung Quốc sau khi kết luận rằng những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Không chỉ Mỹ, hôm 26/3, Ủy ban Châu Âu (EC) quyết định mở một cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với 26 loại sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Quyết định này được đưa ra sau khi hệ thống giám sát nhập khẩu sắt thép của EC ghi nhận khối lượng thép nhập khẩu tăng đột biến từ tháng 3/2016. Các hoạt động nhập khẩu sắt thép có từ Việt Nam cũng thuộc diện bị điều tra theo Quyết định này.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quyết định này của EU nhằm ngăn chặn tình trạng lấn tránh thuế của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc có thể xuất khẩu thép sang một số quốc gia đưởng hưởng mức thuế ưu đãi, sau đó gia công qua loa rồi xuất khẩu sang EU. EU vẫn đang áp dụng thuế ưu đãi GSP 0% đối với các sản phẩm sắt thép có xuất xứ Việt Nam trong khi áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sét thép Trung Quốc (65.1% - 73.7% đối với thép tấm nặng; 13.2% - 22.6% đối với thép cán nóng).
Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu thép lớn thứ hai và thứ ba của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, khuyến nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường, không nên quá tập trung vào thị trường nào.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA |
Trong top 3 thị trường nhập khẩu thép Việt Nam, ASEAN hiện giữ vị trí số 1. Vì vậy theo ông, đây sẽ vẫn là thị trường quan trong trong thời gian tới. Ông Sưa nhấn mạnh Campuchia là thị trường tiêu thụ nhiều thép Việt Nam nhất trong khối ASEAN do nước này đang phát triển, nhu cầu xây dựng cao. Hơn thế nữa, Campuchia chưa có ngành công nghiệp sản xuất thép nên đây được coi là cơ hội lớn cho ngành thép Việt Nam.
Đối với thị trường trong nước, ông Sưa nhận định với những dự báo đầy tích cực về tăng trưởng kinh tế năm nay, nhu cầu tiêu thụ thép vẫn mạnh nhờ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, ông cho rằng nếu ý tưởng thành lập ba đặc khu kinh tế được thông qua thì đây sẽ là động lực lớn cho ngành. Ông dự báo, ngành thép năm nay sẽ tăng trưởng 17 - 18% so với năm 2017.
“Đây là mức tăng trưởng cao do những năm gần đây ngành thép liên tục đạt được bước tăng trưởng lớn. Vì vậy, để vượt so với nền cao từ những năm trước là điều hết sức khó khăn”.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, Việt Nam sản xuất được 7,6 triệu tấn thép các loại, tiêu thụ 6,7 triệu tấn, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, ông Sưa cho biết thêm.
Xem thêm |