Lý thuyết vòm vàng: Hai nước cùng có McDonald's thì không đánh nhau
Lý thuyết vòm vàng
Những thước ảnh chân thực về chiến sự Nga - Ukraine, từ những chiếc xe tăng bốc cháy, các thành phố bị san phẳng đến hàng nghìn người dân phải sơ tán, đều gây ấn tượng mạnh đến công chúng khắp thế giới.
Ẩn trong những hình ảnh đó là một điều thú vị, rằng chuỗi đồ ăn nhanh McDonald’s của Mỹ đã ngừng bán burger và khoai tây chiên tại Nga từ cuối tháng 5, chấm dứt hành trình 32 năm của một thương hiệu phương Tây nức tiếng tại xứ sở Bạch Dương.
Đầu tháng 3 năm nay, sau khi Nga động binh với Ukraine, McDonald’s thông báo sẽ tạm thời đóng cửa 850 cửa hàng tại Nga. Đến tháng 5, hãng tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn, tìm chủ mới cho hệ thống ở Nga và vẫn trả lương nhân viên cho đến khi có khách mua xuất hiện.
Trong một tuyên bố, ông Chris Kempczinski - Chủ tịch kiêm CEO của McDonald’s, từng bày tỏ: “Tình hình cực kỳ khó khăn đối với một thương hiệu toàn cầu như chúng tôi. Ban lãnh đạo đã có rất nhiều cân nhắc”.
Trong số những cửa hàng sẽ bị xóa sổ tại Nga và khoác lên màu áo mới dưới thời chủ mới - công ty Sistema PBO, chi nhánh ở quảng trường Pushkin tại thủ đô Moscow là đáng nhớ nhất.
Tháng 1/1990, khi lần đầu tiên McDonald’s đặt chân đến Nga, cửa hàng này đã phục hồi hơn 30.000 khách trong ngày khai trương. Sự hiện diện của McDonald’s vào mùa đông năm đó được giới chuyên gia gọi là điểm mở đầu cho thời kỳ Chiến tranh Lạnh tan băng.
Và, đặc biệt hơn, việc McDonald’s đến Nga còn tạo tiền đề cho một lý thuyết mới mang tên “Golden Arches Theory of Conflict Prevention” (tạm dịch là Lý thuyết vòm vàng giúp ngăn ngừa xung đột, vòm vàng chính là logo của thương hiệu McDonald’s).
Thực chất, lý thuyết vòm vàng không phải sản phẩm PR của McDonald’s. Ý tưởng trên được nhà kinh tế Thomas Friedman đưa ra trong một bài báo vào cuối năm 1996. Ông Friedman lập luận, “hai quốc gia đều có cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald's sẽ không bao giờ gây chiến với nhau”.
Tại sao cây bút của New York Times lại nghĩ ra lý thuyết kỳ khôi như vậy? Mọi thứ có thể quy về niềm tin phổ biến vào thời điểm đó rằng, các lợi ích kinh tế chung và hợp tác toàn cầu sẽ xoa dịu nguy cơ xung đột giữa các quốc gia.
Nói cách khác, các nước có quan hệ kinh tế khăng khít thì chẳng dại gì đánh nhau để làm hại đến lợi ích kinh tế đôi bên. Song, việc McDonald’s rút chân khỏi Nga đã đánh dấu sự sụp đổ của lý thuyết vòm vàng.
Tuy nhiên, về một khía cạnh nào đó thì lập luận của Friedman có lẽ không sai. Nga tấn công Ukraine khi cả hai nước đều đang có sự hiện diện của McDonald's. Nay chiến sự giữa hai bên vẫn đang ác liệt, nhưng McDonald's đã quyết định dứt áo rời khỏi Nga, nên lời ông Friedman nói ngày xưa coi như vẫn đúng một nửa.
Kết thúc một kỷ nguyên đầy hy vọng
Nếu việc McDonald’s khai trương ở Nga năm 1990 là một biểu tượng của hy vọng và tương lai hứa hẹn, thì động thái dứt áo ra đi của gã khổng lồ ngành thức ăn nhanh là một sự xác nhận rằng Nga không còn là miền đất hứa để kinh doanh.
Năm đó, mới 4h sáng, trong cái lạnh cóng của mùa đông, người dân thủ đô Moscow đã bắt đầu xếp hàng bên ngoài tòa nhà ở quảng trường Pushkin. Khi cánh cửa mở ra, hàng trăm người bụng đói cồn cào lao vào trong để thưởng thức hương vị của Big Mac, thứ vật phẩm xa lạ mà họ chưa từng thử lần nào.
Thời điểm đó, người Nga đang đói, theo đúng nghĩa đen. Các cửa hàng hầu như luôn thiếu thốn các sản phẩm tiêu dùng của thế giới phương Tây. Sau McDonald’s, lần lượt các thương hiệu toàn cầu khác đã xuất hiện và logo rải rác khắp các con phố ở Nga.
CEO McDonald’s từng chia sẻ rằng việc công ty thâm nhập thị trường Nga cách đây 32 năm là một niềm hy vọng chiến thắng. “Hy vọng cho một quốc gia đang mở cửa với thế giới sau nhiều thập kỷ bị cô lập. Hy vọng thế giới sẽ trở nên kết nối với nhau hơn”, ông nói.
Tuy nhiên, hy vọng giờ đây đã tắt. Ông Bakhti Nishanov, một chuyên gia về khu vực Âu - Á và lớn lên ở Liên Xô, cho rằng sự ra đi của McDonald’s là một cảm xúc kỳ lạ. Ông nói: “Quả thực rất kỳ lạ, bằng cách nào đó việc họ rời đi lại đánh gục thôi. Giống như hy vọng đang rời khỏi nước Nga”.
“Động thái của McDonald’s có một tầm quan trọng mang tính biểu tượng. Giờ đây, họ tháo chạy khỏi Nga, là một tín hiệu rõ ràng rằng đất nước này không còn là nơi bạn muốn đến làm kinh doanh nữa”, ông Nishanov giải thích trong cuộc phỏng vấn cùng CNBC.