|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lý do thu hút 16 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, ngang với trước dịch COVID-19

07:40 | 16/08/2024
Chia sẻ
Sau một năm thực hiện nới chính sách thị thực, Việt Nam đón gần 16 triệu lượt khách quốc tế, tương đương thời điểm trước COVID-19.

Từ 15/8/2023, Việt Nam nâng thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày với công dân 13 nước miễn thị thực (visa) đơn phương gồm Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus. 

Việt Nam cũng áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ tại 13 sân bay, 13 cửa khẩu đường biển và 16 cửa khẩu đường bộ; thời gian tạm trú được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày và thị thực có giá trị nhập cảnh nhiều lần.

Phục hồi tương đương thời điểm trước COVID-19

Thường xuyên đi du lịch trên thế giới, bà Jean Baptiste (người Pháp) cho biết ngoài thuận lợi về địa lý, khí hậu, nhiều cảnh đẹp, món ăn ngon, người dân thân thiện, thì chính sách visa cởi mở là lý do chính để bà đến Việt Nam du lịch lần thứ hai.

“Do đã về hưu, nên tôi có nhiều thời gian đi du lịch trên thế giới. Tại Việt Nam có nhiều nơi để trải nghiệm. Vì vậy, với chính sách visa kéo dài nên tôi đã quyết định du lịch tại đây”, bàJean Baptiste nói.

Chính sách visa mới cũng góp phần giúp các công ty lữ hành khai thác thị trường khách quốc tế đến hiệu quả hơn. Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Chi nhánh Lữ hành Saigontourist tại Hà Nội, chính sách mới về thị thực, xuất nhập cảnh kể từ ngày 15/8/2023 đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc nâng sức cạnh tranh điểm đến của Việt Nam trong việc tiếp cận của nguồn khách mới, đặc biệt là luồng khách chủ động, khách gia đình, khách đi nhỏ lẻ…

Do đó, các doanh nghiệp đã nhanh chóng xây dựng sản phẩm mới phù hợp và tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến sâu vào thị trường, bằng việc mời đoàn khảo sát thị trường Việt Nam, tận dụng hiệu quả từ chính sách mới.

“Tính riêng trong 8 tháng đầu năm, chúng tôi liên tục đón tiếp và phục vụ hơn gần 50.000 khách quốc tế, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023”, bà Thu thông tin.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Chi nhánh Lữ hành Saigontourist tại Hà Nội. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đạt gần 10 triệu lượt, bằng 102% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, lượng khách đến từ 13 quốc gia miễn thị thực đơn phương đạt hơn 3,7 triệu lượt, tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ 2023 và chiếm 37% thị phần khách quốc tế đến Việt Nam.

Các nước được miễn thị thực đơn phương cũng nằm trong top thị trường tăng trưởng tốt nhất 7 tháng đầu năm, theo Cục Du lịch. Cụ thể, Đức tăng 27%, Pháp tăng 33%, Italy tăng 61%, Tây Ban Nha tăng 38%, Anh tăng 25%, Nga tăng 75%, Nhật Bản tăng 34%, Hàn Quốc tăng 37%, Đan Mạch tăng 26%, Thụy Điển tăng 27%, và Na Uy tăng 21%. 

Nếu tính riêng từ 1/8/2023 đến 31/7, Việt Nam đón gần 16 triệu lượt khách quốc tế, tương đương thời điểm trước COVID-19.

Khách quốc tế đến Việt Nam kể từ sau 15/8/2023. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam). 

Ngoài ra, điểm đến Việt Nam cũng được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Tại lễ trao giải Giải thưởng MICE thế giới lần thứ 4 tại Đức mới đây, TP.HCM xuất sắc đạt danh hiệu "Điểm đến MICE tốt nhất châu Á 2023". Hội An giành danh hiệu "Điểm đến nghỉ dưỡng dành cho doanh nghiệp tốt nhất châu Á 2023".

Tương tự, Tạp chí du lịch Travel+Leisure của Mỹ đã lựa chọn Việt Nam là một trong 8 quốc gia đáng sống có chi phí phải chăng dành cho những người về hưu yêu thích phiêu lưu, khám phá, đánh giá cao những bãi biển, phong cảnh, ẩm thực, lịch sử và văn hóa. Bên cạnh đó, du khách có thể xin thị thực dài hạn dành cho người nước ngoài với thủ tục không quá phức tạp.

Tạo ra lợi thế cạnh tranh điểm đến 

Đầu năm 2024, trong ấn phẩm Sách Trắng thường niên lần thứ 15 với chủ đề: “Thúc đẩy đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng tiếp tục đề xuất “Miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu” bởi đây là dòng khách chi tiêu cao, có thói quen du lịch dài ngày, tạo ra nguồn thu du lịch lớn.

Việc gia hạn thị thực cũng phục vụ nhiều đối tượng khách du lịch hơn, chẳng hạn như những người làm việc tự do trên môi trường kỹ thuật số và khách du lịch dài hạn khi mang lại sự linh hoạt cần thiết để làm việc từ xa, kết hợp với mức sống tiết kiệm và các trung tâm đô thị sôi động của Việt Nam.

“Nếu chính sách visa của Việt Nam vẫn như hiện nay thì đầu tiên, tốc độ hồi phục của ngành du lịch, khách sạn sẽ bị kéo chậm lại so với các nước. Điều đó có nghĩa chúng ta mất nguồn thu, công ăn việc làm cũng như giảm đi cơ hội để du lịch Việt Nam bứt phá so với những điểm đến cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan, Bali (Indonesia) hay Singapore”, EuroCham quan ngại.

Trong khi đó, chỉ số Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) 2024 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng chỉ ra, dù điểm số về Độ mở Quốc tế của Việt Nam tăng hai bậc so với 2021 và ba bậc so với năm 2019, xếp thứ 80, song vẫn ở hạng trung bình thấp và thấp của thế giới và trong khu vực. Điển hình, Indonesia đứng thứ 69, Thái Lan xếp thứ 44, Philippines ở vị trí 61 và đứng đầu bảng xếp hạng là Singapore. 

Trong phiên họp Quốc hội lần trước, Quốc hội đã cho phép sửa đổi Luật Xuất nhập cảnh tạo để điều kiện mở cửa tiếp tục thúc đẩy du lịch.

Thủ tướng đã giao cho Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các bộ ngành tham mưu, thực hiện theo hướng đánh giá tổng thể chính sách visa trên mọi bình diện kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đây là cơ sở để tiếp tục mở rộng visa trong vấn đề xuất, nhập cảnh để hỗ trợ cho vấn đề du lịch và các hoạt động khác.

Còn theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, visa chỉ là yếu tố mở đầu, như lời mời du khách đến với Việt Nam. Còn lượng khách có tăng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khách đến sẽ thưởng thức gì, vui vẻ ra sao, có cảm thấy thích thú để chi nhiều tiền, có ở lâu không…

“Trong thời gian khách lưu trú tại Việt Nam, người làm du lịch phải có sản phẩm như thế nào để đáp ứng nhu cầu của khách, phải có gì cho họ xem, khiến họ thích thú để ở lại nhiều ngày và còn muốn quay trở lại trong thời gian tới.”, ông Bình nêu rõ.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. (Nguồn: Nguyễn Ngọc). 

Vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải tìm kiếm, xây dựng sản phẩm phù hợp nhất với từng thị trường khách, cũng như phối hợp giữa các ngành ra sao, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch làm thế nào kết hợp hài hòa để đảm bảo giá thành phù hợp.

“Cạnh tranh về giá không còn là yếu tố quyết định trong giai đoạn tới nhưng vẫn là hấp dẫn khách du lịch. Nên các doanh nghiệp cũng cần liên kết để tạo ra mức giá hợp lý cho các dịch vụ phục vụ từ khách nội địa đến khách quốc tế”, ông Bình nhìn nhận.

Ngọc Bảo