|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lý do Novaland bỏ tham gia tái cơ cấu Sacombank

15:17 | 06/04/2017
Chia sẻ
Tập đoàn Novaland đã có lý giải cụ thể về nguyên do rút kế hoạch xin tham gia đề án tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
ly do novaland bo tham gia tai co cau sacombank
Novaland đã theo đuổi kế hoạch của mình ba tháng qua, và thu hút sự chú ý của thị trường thời gian gần đây. Nguồn: VnEconomy.

Quyết định trên đưa ra sau khi Novaland đã có ba tháng theo đuổi các đề xuất của mình.

Cụ thể, ngày 16/12/2016, tập đoàn này có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước xin tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank. Đến ngày 18/3/2017, tập đoàn tiếp tục có văn bản và các thuyết minh kế hoạch cụ thể sẽ triển khai nếu được xét duyệt, trong đó có đề xuất mua 20% cổ phần ngân hàng, cũng như chuẩn bị ứng cử nhân sự quản trị, điều hành…

Nhưng Novaland vừa có quyết định rút lại kế hoạch trên, không xin tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank nữa.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Novaland Group nhắc lại đánh giá của mình trong đề xuất trước đây rằng, tham gia tái cơ cấu Sacombank là một việc rất khó, rất phức tạp và sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc; cần sự minh bạch, cần sự quyết tâm của toàn đội ngũ và phải được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

“Trong thời gian chờ đợi sự phê duyệt, đã xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều gây bất lợi cho chúng tôi”, ông Bùi Thành Nhơn cho biết nguyên do.

Cho rằng Sacombank “đang trong giai đoạn cùng cực của sự khó khăn”, Chủ tịch Novaland khuyến nghị ngân hàng này đang rất cần người lái tàu tâm huyết gắn liền với nguồn vốn thật, cần nhóm quản lý chuyên nghiệp trong và ngoài nước thông hiểu việc tái cấu trúc ngân hàng tầm cỡ quốc tế, cần người có mối quan hệ hài hoà với tất cả các bên để tránh xung đột, cần người quy tụ được nhân tài về hợp sức kiên trì vực dậy ngân hàng.

“Với phương châm kinh doanh trung thực - minh bạch - thượng tôn pháp luật, chúng tôi cho rằng việc chung tay giúp sức với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ tái cơ cấu Sacombank tuyệt đối không nên là một cuộc cạnh tranh để giành lợi ích ngắn hạn. Sacombank muốn phục hồi phải cần sự đồng lòng hỗ trợ của cả hệ thống”, ông Nhơn khuyến nghị.

Chủ tịch Novaland cũng cho biết thêm, do nhận thấy có nhiều yếu tố khó khăn xuất hiện, nên tập đoàn đã xin rút lại đề xuất tham gia tái cơ cấu Sacombank trình Ngân hàng Nhà nước trước đó.

Như trên, Novaland đã theo đuổi kế hoạch của mình ba tháng qua, và thu hút sự chú ý của thị trường thời gian gần đây.

Về tiềm lực tài chính, trong kế hoạch trình Ngân hàng Nhà nước, Novaland cập nhật quy mô vốn điều lệ hiện đã đạt 7.000 tỷ đồng, quy mô vốn hóa khoảng 2 tỷ USD. Và tham gia kế hoạch còn là tiềm lực tài chính của riêng cá nhân ông Bùi Thành Nhơn.

Ngoài ra, Novaland cho biết đã có các hoạt động huy động vốn tích cực trong vòng hai năm trở lại đây.

Cụ thể, năm 2015, tập đoàn đã phát hành gần 50 triệu USD cổ phần ưu đãi chuyển đổi cho quỹ đầu tư VinaCapital, Dragon Capital và một công ty tài chính trong nước. Năm 2016, tập đoàn được tài trợ một khoản vay chuyển đổi trị giá 100 triệu USD từ Credit Suisse, là một tổ chức tài chính uy tín nước ngoài, trong đó 60 triệu USD đã được giải ngân trong tháng 7/2016.

Tháng 11/2016, tập đoàn đã hoàn thành đợt phát hành cổ phần riêng lẻ đạt mức huy động gần 120 triệu USD với sự tham gia của Dragon Capital, VinaCapital, GIC (Chính phủ Singapore), J.P. Morgan, RWC Partners, Duxton Asset Management, Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt…

Minh Đức