|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lý do nào khiến chúng ta khó quản lý chi tiêu?

07:07 | 02/11/2021
Chia sẻ
Quản lý chi tiêu có thể là mục tiêu hàng đầu khi chúng ta muốn tiết kiệm được nhiều hơn, dư dả và giàu có hơn nhưng đa số mọi người đều thất bại khi quản lý ngân sách.

Có lẽ tất cả các lời khuyên tài chính mà bạn được tiếp cận đều lưu ý rằng cần phải lập kế hoạch, quản lý ngân sách. Tuy nhiên, thực tế thì không chỉ mình bạn mà hầu hết mọi người đều gặp khó khăn khi muốn tuân thủ ngân sách đã định, thậm chí là luôn trong tình trạng chi tiêu quá đà. 

Business Insider đã trao đổi với chuyên gia tư vấn tài chính hàng đầu để tìm ra những lý do khiến chúng ta khó quản lý chi tiêu, đồng thời chia sẻ cùng bạn một số đề xuất giải pháp hữu ích.

Nguyên nhân chính khiến đa số mọi người chi tiêu vượt ngân sách

1. Bạn đang lập ngân sách mà không có mục tiêu rõ ràng

Ngân sách nhằm giúp bạn chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được và tìm ra chính xác số tiền bạn cần sử dụng để tiến gần hơn tới các mục tiêu tiết kiệm của mình. Cho dù bạn đang làm việc để trả nợ, xây dựng quỹ khẩn cấp, đầu tư cho hưu trí hay tiết kiệm để mua nhà, việc xác định rõ mục tiêu sẽ giúp bạn kết nối việc lập ngân sách hàng ngày với những gì bạn có thể đạt được trong dài hạn. Nếu thiếu đi mục tiêu rõ ràng, bạn rất dễ chi tiêu quá đà, tệ hơn nữa là vượt quá khả năng có thể chi trả.

Lý do nào khiến chúng ta khó quản lý chi tiêu? - Ảnh 1.

Quản lý chi tiêu đúng cách bạn sẽ có tài chính cá nhân đảm bảo hơn. (Nguồn: US News Money)

Hãy lưu ý là việc lập ngân sách nhằm mục đích để bạn chi tiêu ít hơn sẽ ít nhiều khác với việc duy trì kế hoạch chi tiêu để mua nhà trong 2 năm tới. Muốn ổn định tài chính cá nhân, bạn buộc phải có mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

2. Bạn quên lập ngân sách cho các khoản chi tiêu không cố định

Các chi phí không cố định hàng tháng thực ra không hề nhỏ, chẳng hạn như bảo hiểm ô tô xe máy, tiền phát sinh phải sửa xe, sửa nhà, đi ăn sinh nhật bạn bè... Hầu hết chúng ta đều nghĩ đến việc lập ngân sách hàng tháng, nên rất dễ quên đi những khoản chi tiêu không cố định. Tuy nhiên, để kế hoạch quản lý tài chính của bạn thực sự hiệu quả, hãy tính đến cả những khoản chi tiêu có thể cần có.

Để xác định khoản tiền chi tiêu cho các khoản không cố định này không hề khó, bạn hãy dành vài phút để cộng tất cả các khoản mà bạn dự tính sẽ cần trong tháng tới. Lưu ý là bạn không nên đụng vào tiền tiết kiệm - nghĩa là giảm tiết kiệm hiện tại để tăng chi tiêu, thay vào đó hãy cố gắng kiếm nhiều hơn hoặc cắt giảm chi tiêu các khoản khác để có tiền dự phòng cho các khoản phát sinh.

3. Bạn không lập ngân sách cho các hoạt động giải trí

Thực tế, nhiều người sẽ cảm thấy chán nản và từ bỏ việc lập ngân sách chi tiêu vì quá mệt mỏi do phải tiết kiệm từng li từng tý một. Theo ý kiến chuyên gia, đạt được mục tiêu tài chính là tốt nhưng bạn cũng nên có khoản ngân sách riêng để tận hưởng cuộc sống. 

Những người thành công nhất trong quản lý tài chính cá nhân đều có khả năng cân bằng giữa chi tiêu cần thiết và các khoản tiền dành cho nghỉ ngơi, giải trí. Về lâu dài, bạn sẽ đạt được sự ổn định tài chính và giàu có hơn.

Một cách đơn giản, bạn có thể thêm mục "niềm vui" vào ngân sách chi tiêu hàng tháng. Cho phép mình mua món đồ bạn thích, đi ăn nhà hàng, đi chơi… Cách tiếp cận có thể khác nhau giữa mỗi người nhưng điều quan trọng là bạn phải cảm thấy vui vẻ và những nỗ lực của mình là xứng đáng. Dĩ nhiên, các khoản này cũng phải được kiểm soát để không chiếm quá nhiều trong kế hoạch chi tiêu, quản lý tài chính cá nhân của bạn.

Trên tất cả, bạn cũng cần nhớ rằng việc lập ngân sách và quản lý chi tiêu cần thực hành liên tục và thử nghiệm, điều chỉnh khi cần. Nếu kế hoạch ngân sách của bạn không hoạt động, hãy khám phá các cách tiếp cận khác để tìm ra hệ thống phù hợp nhất.

Thu Phương