Lý do Mỹ quyết bám trụ mỏ dầu Syria
Quyết định này trái ngược với lệnh rút hết quân mà Trump đưa ra trước đó, cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của nguồn tài nguyên dầu mỏ đối với tình hình khu vực. Một số người cho rằng động lực thúc đẩy Trump thay đổi quyết định là do nguồn lợi kinh tế từ các mỏ dầu ở Syria.
Tuy nhiên, các chuyên gia Roger Diwan và Daniel Yerginis của IHS Markit chỉ ra rằng giá trị kinh tế mà các mỏ dầu ở Syria mang lại cho Mỹ là không cao. Các giếng dầu ở Syria từng chiếm 25% tổng thu ngân sách của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad giai đoạn trước cuộc nội chiến, nhưng trên thị trường thế giới, nguồn dầu mỏ Syria gần như không đáng kể.
Với sản lượng 385.000 thùng/ngày trước khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011, ngành công nghiệp dầu mỏ của Syria chỉ là một "hạt cát" chiếm chưa đầy 0,5% tổng cung dầu thế giới. Cùng năm đó, Mỹ sản xuất được 5,7 triệu thùng/ngày và hiện đã nâng lên 12,6 triệu thùng/ngày.
Đoàn xe của quân đội Mỹ tới mỏ dầu ở Qamishli, Syria hôm 26/10. Ảnh: AFP.
Sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã khiến dầu mỏ của Syria trở bỗng nhiên được cộng đồng quốc tế chú ý, không phải về mặt sản lượng mà là những điều IS có thể làm với những mỏ dầu này. Dưới sự kiểm soát của IS, sản lượng dầu của Syria đã giảm 90% xuống còn khoảng 40.000 thùng/ngày hồi năm 2015.
IS đã có thể "biến những thùng dầu thô thành tiền mặt" khi buôn lậu dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ, bán ra các thị trường địa phương, kể cả chính quyền Assad, thu về khoảng 500 triệu USD mỗi năm, giúp tổ chức này có một nguồn tài chính vững chắc và trở thành tổ chức khủng bố giàu nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, tài nguyên dầu mỏ đã giúp IS chiêu mộ tân binh từ các nhóm phiến quân khác ở Syria và trên thế giới vì sẵn sàng trả lương cao.
Trong bối cảnh IS đã bị đánh bại và lui về hoạt động bí mật, các mỏ dầu từng do tổ chức này kiểm soát giờ được chuyển giao cho Các lực lượng Dân chủ Syria (SFD) và người Kurd.
Trong suốt cuộc chiến chống IS, các cơ sở khai thác dầu nằm trên mặt đất là mục tiêu của các cuộc không kích do Mỹ thực hiện cắt đứt nguồn thu nhập của IS, và chúng tiếp tục bị phá hủy trong các cuộc giao tranh sau đó. Ngoài ra, hệ thống khai thác dầu mỏ thì không được bảo dưỡng định kỳ khiến sản lượng dầu của Syria tiếp tục sụt giảm.
Hiện vẫn chưa có con số thống kê chính xác, song sản lượng dầu của Syria đang được cho là vào khoảng 15.000-30.000 thùng/ngày. Dù vậy, đây sẽ vẫn là một nguồn tài chính quan trọng đối với SDF và người Kurd.
Việc đưa sản lượng dần mỏ trở lại con số như giai đoạn trước nội chiến sẽ cần rất nhiều thời gian và tiền bạc, và sẽ chỉ rất ít công ty dầu khí sẵn sàng làm điều này kể cả khi các vấn đề về chủ quyền giữa các bên đang quản lý những mỏ dầu đã được giải quyết.
Trước cuộc nội chiến, Syria từng có tương đối nhiều nhà đầu tư nước ngoài, từ các tập đoàn lớn như Total và Sinopec đến các công ty nhỏ như Gulfsands, hợp tác với Công ty Xăng dầu Syria (SPC) với các thỏa thuận chia sẻ sản lượng. Tuy nhiên, bạo lực gia tăng và các lệnh trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối năm 2011 đã khiến hầu hết các tập đoàn dầu khí nước ngoài rời bỏ Syria.
Ngay cả trước khi cuộc nội chiến nổ ra, Syria không phải là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn dầu khí, khi doanh thu thường phải chia sẻ phần lớn với chính phủ Syria. Các mỏ dầu ít ỏi của Syria tập trung chủ yếu ở hai khu vực là vùng đông bắc và dọc theo sông Euphrates, không thể sánh bằng những nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn ở Iraq hay Vịnh Ba Tư.
Với trữ lượng dầu mỏ thấp, nằm rải rác và cách xa các cơ sở xuất khẩu ở Địa Trung Hải, nguồn tài nguyên dầu của Syria nhìn chung chỉ nằm bên lề "cuộc chơi dầu mỏ" ở Trung Đông và ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới.
Dù vậy, Mỹ có một số lý do để duy trì lực lượng bám trụ tại các mỏ dầu nước này, trong đó điều quan trọng nhất được Washington nêu ra là sự hiện diện của lính Mỹ đảm bảo rằng các mỏ dầu này không rơi vào tay IS một lần nữa.
Dù thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt, IS vẫn còn hàng nghìn tay súng ở Iraq và Syria, cộng thêm một lượng lớn phiến quân đang bị giam trong các nhà tù do người Kurd kiểm soát. Kể cả khi IS không có khả năng "trở lại thời hoàng kim", các tay súng của tổ chức này vẫn có thể phá hoại các mỏ dầu, nguồn tài nguyên đáng giá nhất của Syria.
Lý do thứ hai là việc bám trụ ở các mỏ dầu này khiến Mỹ nắm trong tay một "quân bài mặc cả" với cả Nga lẫn chính quyền Assad trong quá trình đàm phán sau này.
Mỹ từng đổ nhiều tiền của để hỗ trợ các nhóm nổi dậy "ôn hòa" chống lại chính quyền Assad. Tuy nhiên, sau khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, các nhóm nổi dậy lần lượt bị đánh tan tác, mất hết các vùng kiểm soát ở miền nam Syria và buộc phải lui về co cụm ở tỉnh Idlib giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ sau đó quay sang ủng hộ dân quân người Kurd nhằm duy trì vị thế và ảnh hưởng của mình ở Syria. Tuy nhiên, uy tín của Mỹ bị sứt mẻ nghiêm trọng khi Trump ra quyết định rút quân hồi đầu tháng 10, khiến Nga gần như trở thành bên có tiếng nói quan trọng nhất trên bàn cờ Syria.
Việc nắm trong tay các mỏ dầu, vốn là nguồn thu quan trọng nhất của chính quyền Assad, sẽ giúp Mỹ có tiếng nói trong quá trình đàm phán hậu nội chiến và đảm bảo quyền lợi cho phe đối lập cũng như dân quân người Kurd.
Kiểm soát các mỏ dầu giúp Mỹ nắm giữ "động cơ" cho quá trình hồi phục nền kinh tế của Syria trong thời kỳ hậu chiến, vốn đòi hỏi rất nhiều nguồn lực và tiền bạc. Tuy nhiên, dù với lý do gì, các nỗ lực để giúp các mỏ dầu này có thể đạt được sản lượng như trước nội chiến sẽ cần rất nhiều thời gian.
Những tác động đến nguồn tài nguyên dầu mỏ ở Syria sẽ có ảnh hưởng lớn đến tương lai của đất nước đang kiệt quệ vì khủng hoảng này. Do vậy, dù không có giá trị cao trong tổng cung dầu thế giới, những mỏ dầu ở Syria vẫn là mục tiêu mà Mỹ không thể từ bỏ.