Lý do đầu tư giá trị sẽ quay trở lại thời hoàng kim
Đầu tư giá trị là chiến lược rất nhiều người yêu thích. Xét cho cùng, ai cũng thích món hời, dù là lúc mua nhà lầu, xe hơi hay chứng khoán. Sức hấp dẫn của một phần một công ty với giá càng ít càng tốt quả thật rất dễ hiểu.
Dễ thấy mua cổ phiếu giá rẻ là một cách tốt để kiếm tiền. Đối với nhà đầu tư giá trị, điều này thường có nghĩa là tìm kiếm các công ty rẻ so với tài sản, thu nhập, dòng tiền hoặc cổ tức hiện tại hoặc tương lai. Đầu tư giá trị đã thành công vang dội trong lịch sử.
Nhưng kể từ khoảng năm 2007, đầu tư giá trị đã trải qua chuỗi thất bại kinh hoàng. Đặc biệt, ba năm kết thúc vào tháng 9/2020 là thảm họa thực sự. Trái lại, trong phần lớn thời gian của 8 thập kỷ trước đó, cổ phiếu giá trị vượt trội so với cổ phiếu tăng trưởng.
Cách lý giải đơn giản do Bloomberg đưa ra là: Giống như mọi chiến lược khác, đầu tư giá trị đôi khi gây thất vọng trong thời gian ngắn hoặc dài, nhưng nó sẽ phục hồi.
Nhà đầu tư dễ dàng chấp nhận lời giải thích trên trong nhiều bối cảnh khác, đặc biệt là khi nói về cuộc đối đầu giữa cổ phiếu và trái phiếu. Nhà đầu tư mong đợi lợi nhuận từ cổ phiếu cao hơn trái phiếu, mặc dù cổ phiếu không phải lúc nào cũng thắng. Kỳ vọng đó dựa trên kinh nghiệm, trực giác và quan trọng nhất là dữ liệu. Kể từ năm 1926, chỉ số S&P 500 đánh bại trái phiếu chính phủ dài hạn 4,4 điểm % mỗi năm, tính cả cổ tức.
Lợi suất cổ phiếu cao hơn trái phiếu là điều hợp lý. Cổ phiếu rủi ro hơn, biến động nhiều hơn và có nhiều cú lao dốc lớn khiến nhà đầu tư thót tim. Nếu không hứa hẹn phần thưởng lớn hơn trái phiếu, cổ phiếu sẽ không bán được cho ai.
Sự đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro vẫn đúng dù đôi khi cổ phiếu vẫn thua trái phiếu. Khả năng này là một kiểu rủi ro mà nhà đầu tư cổ phiếu phải chịu. Điều này cũng đúng với sự đánh đổi rủi ro-lợi nhuận giữa cổ phiếu giá trị và tăng trưởng. Nếu các công ty giá trị yếu thế không hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao hơn những công ty tăng trưởng tốt, thì ai sẽ rót tiền cho chúng?
Điểm tương đồng thứ hai: Giống như cổ phiếu giá trị, cổ phiếu nói chung đã không thắng trong thời gian dài. Trong giai đoạn 20 năm kết thúc tháng 9/2020, trái phiếu đánh bại cổ phiếu 1,6 điểm % mỗi năm. Nhà đầu tư lẽ ra đã có thể tránh được một đống rắc rối và kiếm thêm kha khá tiền nếu chuyển từ cổ phiếu sang trái phiếu. Nhưng ít ai phàn nàn về cổ phiếu.
Vậy tại sao cổ phiếu giá trị lại bị dèm pha? Một lý do là vì các cổ phiếu khác không khiến nhà đầu tư chịu thiệt nhiều như cổ phiếu giá trị. Dù lợi suất trái phiếu cao hơn cổ phiếu 1,6 điểm % mỗi năm kể từ 2000, cổ phiếu tăng trưởng đánh bại nhóm giá trị gần 8 điểm % mỗi năm tính từ 2007.
Giai đoạn 20 năm trở lại đây cũng không phải lần đầu tiên cổ phiếu vấp ngã rồi giành lại ưu thế.
Năm 1979, Bloomberg BusinessWeek đăng trang bìa hoành tráng với tuyên bố: "Cái chết của cổ phiếu" sau một thập niên tồi tệ của cổ phiếu. Rất nhanh sau đó, chứng khoán Mỹ bắt đầu thị trường giá lên kéo dài hai thập kỷ.
Hai lần thị trường sụp đổ rồi hồi phục năm 2000 và 2008 cũng củng cố thông điệp: Khi nói về chứng khoán, tốt nhất là không nên đoán mò chỉ dựa trên trải nghiệm gần đây.
Ngược lại, nhiều nhà đầu tư chưa chứng kiến đủ chu kỳ của cổ phiếu giá trị để tin rằng sự suy yếu hiện tại chỉ là tạm thời. Đã có những lần cổ phiếu giá trị gây thất vọng – rồi mang về lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư trong những giai đoạn sau.
Định giá của cổ phiếu tăng trưởng đã tăng ít nhất ba lần so với cổ phiếu giá trị, ngay trước và trong thời kỳ Đại Khủng hoảng cuối năm 1929, cơn sốt Nifty Fifty đối với 50 cổ phiếu vốn hóa lớn phổ biến nhất trên thị trường New York vào những năm 1960-1970 và bong bóng công nghệ cuối thập niên 90. Trong cả ba trường hợp, cổ phiếu giá trị dễ dàng vượt qua cổ phiếu tăng trưởng trong những năm sau.
Hiện tại, chênh lệch giữa cổ phiếu tăng trưởng và giá trị lớn hơn bao giờ hết. Dựa trên hệ số giá/giá trị sổ sách (P/B), khoảng cách giữa cổ phiếu tăng trưởng và giá trị là lớn nhất trong gần 100 năm. Theo hệ số giá trên thu nhập (P/E) và giá trên dòng tiền (P/CF), cách biệt giữa hai nhóm đã rất gần với năm 2000.
Cổ phiếu giá trị có rất nhiều cách để thu hẹp khoảng cách với cổ phiếu tăng trưởng. Ví dụ, các công ty giá trị có thể chứng tỏ chúng mạnh mẽ hơn suy nghĩ của nhà đầu tư. Walmart có thể cản bước Amazon trong cuộc chiến thống trị ngành bán lẻ, Walt Disney có thể thu hút nhiều cặp mắt hơn Netflix hoặc Ford tìm ra cách để sản xuất và phân phối xe điện rẻ hơn Tesla.
Cũng có thể sắp tới cổ phiếu tăng trưởng sẽ không tỏa sáng như trước nữa. Những gã khổng lồ như Apple, Amazon, Facebook và Alphabet có khả năng không duy trì được tốc độ tăng trưởng chóng mặt hoặc bị chính phủ chia nhỏ. Bất kỳ khả năng nào cũng sẽ buộc nhà đầu tư xem xét lại định giá của chúng.
Hiện tại, đã có dấu hiệu cho thấy cổ phiếu giá trị sẽ được phục hưng. Cổ phiếu giá trị trên chỉ số Russell 1000 đã vượt qua cổ phiếu tăng trưởng 4,6 điểm % kể từ 3/11/2020 đến hết 12/1/2021. Vẫn còn quá sớm để tuyên bố sự trở lại của cổ phiếu giá trị, nhưng cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhà đầu tư giá trị một lần nữa đánh bại thị trường.
Tỷ phú đầu tư Howard Marks thích nói rằng thị trường chứng khoán ghét sự ổn định. Hiện giờ hiếm có quan điểm nào mà nhà đầu tư cảm thấy chắc chắn hơn là cổ phiếu giá trị đã lỗi thời. Nhưng chắc chắn cổ phiếu giá trị sẽ quay trở lại, câu hỏi cần đặt ra chỉ là khi nào.