|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lướt theo cổ phiếu nóng: cẩn trọng nỗi đau '3 nhà'

07:22 | 14/02/2017
Chia sẻ
Sau cơ hội mang lại lợi nhuận cao của nhiều cổ phiếu “nóng” là diễn biến giảm giá kéo dài và không có khả năng hồi phục. Trong không ít trường hợp, hệ lụy xảy ra cho cả 3 “nhà”: nhà đầu tư, công ty chứng khoán và doanh nghiệp.

Vì đâu nên nỗi?

Cổ phiếu được nói đến nhiều nhất trong câu chuyện này là TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Gỗ Trường Thành, bắt đầu từ việc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (Tân Liên Phát) phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa thông tin công bố và số liệu thực tế liên quan đến hàng tồn kho và nợ khó đòi. Do đó, Tân Liên Phát dừng chuyển đổi khoản cho TTF vay trị giá 1.201,9 tỷ đồng ra cổ phiếu như dự kiến ban đầu.

Trước đó, bên cạnh khoản cho vay, Tân Liên Phát đã chi hơn 1.800 tỷ đồng để mua lại 72,16 triệu cổ phiếu TTF, tương đương 49,9% cổ phần, giá mua vào khoảng 25.000 đồng/CP. Chưa tính đến rủi ro cho khoản vay kia, với 24 phiên giảm giá từ mức 43.600 đồng/CP về 8.100 đồng/CP sau 1 tháng, khoản đầu tư của Tân Liên Phát đang dự kiến lãi 1.342 tỷ đồng thành lỗ 1.220 tỷ đồng. Cũng trong 1 tháng đó, TTF đã mất đi 4.970 tỷ đồng giá trị vốn hóa.

luot theo co phieu nong can trong noi dau 3 nha

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu tăng/giảm, nhà đầu tư được/mất là chuyện bình thường, nhưng vì sao lại có những trường hợp cổ phiếu lao dốc không phanh, bán không ai mua hàng chục phiên, tài sản nhà đầu tư “bốc hơi” mỗi ngày?

Thứ nhất là do có những thhông tin tiêu cực về hoạt động kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp như trường hợp TTF nêu trên, hay Công ty cổ phần NTACO (ATA) đột ngột ngột công bố 400 tỷ hàng tồn kho và công nợ “bốc hơi”, khiến thị trường phản ứng tiêu cực, mất niềm tin.

Trong trường hợp này, nhà đầu tư nhỏ lẻ có lẽ cũng chỉ có thể trách mình “không may” và trông đợi vào sự can thiệp của cơ quan điều tra bởi hầu như không thể tiếp cận với số liệu thực tế tại doanh nghiệp, điều mà nhiều cổ đông lớn còn chưa làm được.

Nếu nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ doanh nghiệp thì nguyên nhân thứ hai là hoạt động làm giá từ thị trường, điều các nhà đầu tư có thể phòng tránh.

Biến động trên thị trường luôn để lại nhiều bài học kinh nghiệm trả giá bằng tiền.

Cách thức tổng quát nhất được đồn rằng, “đội lái” gom cổ phiếu ở mức giá thấp, sau đó sử dụng nhiều tài khoản đẩy giá cổ phiếu lên cao, “bơm thổi” thông tin tốt để thu hút nhà đầu tư tham gia mua - bán, rồi dùng tiền cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán cũng như “dụ” nhà đầu tư mua lại cổ phiếu của họ ở mức giá cao.

Sau khi thu được khoản lợi nhuận lớn thì “bỏ tài khoản chạy”, cổ phiếu không còn ai đỡ giá rớt không phanh, công ty chứng khoán cùng những cổ đông nhỏ lẻ trở thành nạn nhân hứng chịu. Dù Sở Giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tăng cường công tác quản lý, nhưng lâu lâu thị trường lại thấy những “án” phạt dành cho những cá nhân lên đến hàng trăm triệu đồng do hành vi “làm giá” cổ phiếu cho thấy, thực trạng này vẫn nhức nhối.

Nguyên nhân thứ ba, tuy ít nhưng đôi khi vẫn xảy ra là việc kiểm soát margin không chặt chẽ ở một số tài khoản lớn, dẫn đến bị xử lý và xảy ra hiện tượng “hòn tuyết lăn”. Giá cổ phiếu giảm một thời gian, tài khoản lớn chạm mức xử lý nhưng không kịp nộp bổ sung ký quỹ và bị bán giải chấp. Nhà đầu tư thấy lệnh bán lớn bất thường hoảng sợ ngưng hết lệnh mua và chuyển sang bán theo, đẩy giá giảm sâu. Vậy là số tiền gọi ký quỹ, số tài khoản bị xử lý tăng từng ngày, đẩy giá cổ phiếu tụt dốc không phanh.

Ai chịu thiệt?

Đã có hàng chục cổ phiếu giảm nhanh và mất thanh khoản tương tự TTF trong năm 2016, để lại những tổn thất nặng nề.

Chịu thiệt hại đầu tiên và có lẽ cũng nặng nề nhất chính là các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ, những người chịu bất cân xứng thông tin nhất khi chỉ tiếp cận được những báo cáo tài chính, thông tin mà doanh nghiệp công bố, hay hiếm hoi được trao đổi với ban lãnh đạo doanh nghiệp qua các kỳ đại hội đồng cổ đông. Tuy số tiền mất với một người có thể không lớn, nhưng có khi là số tiền tích cóp tính bằng năm với họ.

Với cổ đông lớn, cổ đông nội bộ của doanh nghiệp, những người có mức tổn thất dễ tính nhất dựa theo số lượng sở hữu cổ phần của họ được công bố. Tính toán sơ bộ tại từng công ty, số tiền với mỗi cổ đông thuộc nhóm cổ đông lớn dao động từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng, như trường hợp Công ty Tân Liên Phát tại TTF nói trên.

Thứ hai là các các công ty chứng khoán, cho vay ký quỹ luôn là mảng có tỷ trọng đóng góp cao nhất vào doanh thu, lợi nhuận của công ty. Những khoản vay cho các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, giá trị hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng, với lãi suất cho vay dao động từ khoảng 10 - 14%/năm, tiền lãi mà công ty chứng khoán thu về không hề nhỏ. Tuy nhiên, khi cổ phiếu giảm giá mạnh, các hợp đồng cho vay ký quỹ thường nhanh chóng rơi vào tình trạng bị bán giải chấp.

Theo quy định, tổng số chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết, cùng nhiều giới hạn cho vay margin khác, nhằm hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, chỉ cần “dính” 1 - 2 vụ khách hàng “bỏ tài khoản chạy lấy người” là công ty chứng khoán có thể bị “thổi bay” lợi nhuận cả năm do phải trích lập dự phòng cho khoản nợ chưa biết bao giờ có thể thu hồi.

May mắn gặp cổ đông “rõ lai lịch”, công ty chứng khoán có thể thương lượng, yêu cầu nộp bổ sung khoản thiếu hụt; nếu chẳng may gặp phải cổ đông “ma” chủ động gài bẫy công ty chứng khoán để ôm tiền bỏ cổ phiếu, hay nhà đầu tư cá nhân lỗ quá bỏ luôn tài khoản thì đành coi như mất trắng.

Thứ ba là chính doanh nghiệp, giá cổ phiếu lao dốc không phanh, không chỉ cổ đông liên tục gọi điện hỏi dò thông tin, cán bộ, công nhân viên lo lắng ảnh hưởng hiệu quả hoạt động bởi những tin đồn, mà tệ hơn nữa là hình ảnh công ty bị ảnh hưởng, đối tác nhìn thấy cổ phiếu biến động thất thường có thể e ngại công ty có rủi ro lớn và quyết định “chia tay”. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ rà soát lại các khoản đã cho vay.

Nhà đầu tư cần làm gì để bảo vệ mình?

Hầu hết cổ phiếu có chuỗi giảm giá sàn trong năm 2016 có đặc điểm chung là doanh nghiệp có lịch sử tăng vốn phi mã, gấp hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần so với ban đầu trong giai đoạn 2014 - 2015, nhưng lợi nhuận tăng thêm sau đó không đáng kể.

Trong đó, tại không ít doanh nghiệp, quá trình tăng vốn chủ yếu cho một nhóm cổ đông có liên quan tới công ty do thị giá cổ phiếu thấp hơn nhiều giá phát hành (bằng mệnh giá) nên cổ phiếu phát hành không hết và được phân phối lại, càng làm tăng thêm những lo ngại, đồn đoán về việc “làm giá” ở nhóm này.

Trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp là mục tiêu hàng đầu của việc thành lập, vận hành thị trường chứng khoán và cũng là một trong những mục tiêu của doanh nghiệp khi niêm yết.

Tuy nhiên, đồng vốn cần được sử dụng hiệu quả, tăng vốn đi kèm với tăng trưởng lợi nhuận, tránh phát hành tăng vốn ồ ạt, khó kiểm soát nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, đảm bảo sự minh bạch của thị trường tài chính.

Đây là điểm nhà đầu tư nên lưu ý khi lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư. Dù các cơ quan nhà nước ngày càng quản lý, rà soát thị trường chặt chẽ hơn để loại bỏ các hành vi thao túng, nhưng nhà đầu tư vẫn cần tự bảo vệ mình qua việc tăng cường kiến thức tài chính, xây dựng danh mục, chiến lược đầu tư hướng đến những doanh nghiệp hiệu quả và tăng trưởng, tránh tâm lý đầu cơ, mua bán theo tin đồn “lái” giá.

Biến động trên thị trường luôn để lại nhiều bài học kinh nghiệm trả giá bằng tiền. Với các công ty chứng khoán, sau những tổn thất liên quan đến margin, đòi hỏi hoạt động quản trị, rà soát rủi ro được tăng cường, đồng thời tập trung hoàn thiện hệ thống, dịch vụ, tư vấn nhằm phát triển bền vững hơn là đơn thuần tập trung cấp margin và dựa vào nhà đầu tư lướt sóng cổ phiếu “nóng”.

Với nhà đầu tư, ngày càng tỉnh táo, thận trọng hướng đến đầu tư vào các công ty đàng hoàng để những kẻ lừa đảo, “bán giấy lấy tiền” không còn chỗ đứng. Tuy khốc liệt, nhưng những bài học phải trả học phí tiền tỷ cũng là cách giúp thị trường ngày càng hoàn thiện và phát triển.

Lâm Khắc Đoàn

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.