|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lường trước 3 kịch bản suy thoái kinh tế

21:10 | 05/05/2020
Chia sẻ
TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho biết ảnh hưởng của COVID-19 cũng là cơ hội cho TP HCM tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị xanh, giảm thâm dụng lao động.

Tại tọa đàm “khôi phục và phát triển kinh tế thành phố 2020” ngày 5/5, TS Trần Hoàng Ngân, đã dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và hướng khôi phục kinh tế TP.HCM.

Ngành du lịch mất doanh thu vì COVID-19

Theo ông Ngân, tính từ khủng hoảng kinh tế 2008-2009 đến trước đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới phục hồi mạnh từ 2011 nhưng đến năm 2017 có dấu hiệu đi xuống.

Lường trước 3 kịch bản suy thoái kinh tế - Ảnh 1.

TP.HCM mất doanh thu trong lĩnh vực du lịch do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam cũng đã phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2008-2009, cụ thể, năm 2017, tăng trưởng đạt 6,8%, năm 2019 đạt trên 7%.

“Điểm đáng lưu ý là cán cân thương mại nhiều năm gần đây chuyển sang xuất siêu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 520 tỷ USD, chiếm 200% GDP. Do đó, Việt Nam trở thành nên kinh tế có độ mở ngày càng lớn (hiện đứng thứ 5 thế giới) dẫn đến dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài”, theo TS Ngân.

Ông Ngân nhận định trong sự hồi phục kinh tế của cả nước, đầu tàu kinh tế TP.HCM đóng vai trò lớn khi GDP của thành phố chiếm 22-23% GDP cả nước. Nhưng ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên nền kinh tế TP.HCM, đặc biệt là quý I/2020, khiến tình hình kinh tế giảm rất sâu so với mức bình quân chung của cả nước (0,42% so với 3,82%).

Nguyên nhân là dịch vụ của thành phố chiếm trên 22% trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Trong tháng 4, số liệu thống kê mới nhất cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 8,3% so với tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa cũng giảm 22,8%. Đặc biệt, ngành du lịch không phát sinh doanh thu trong tháng 4.

Ba kịch bản suy thoái kinh tế

Theo ông Ngân, các dự báo về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 của các tổ chức không đồng đều, dự báo thấp nhất là của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với chỉ số tăng trưởng chỉ còn 2,7%. 

Lường trước 3 kịch bản suy thoái kinh tế - Ảnh 2.

TS Trần Hoàng Ngân đưa ra ba kịch bản kinh tế suy thoái do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 tại buổi tọa đàm. Ảnh: TTBC

Dựa trên thực tiễn này, Viện Nghiên cứu Phát triển xây dựng 3 kịch bản giả định sự tác động khác nhau của các yếu tố như kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới.

Cụ thể, kịch bản cơ sở giả định trong tình trạng kinh tế thế giới suy thoái, bất ổn địa chính trị gia tăng, khả năng phục hồi tại một số nền kinh tế là đối tác lớn của thành phố như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu...thấp.

Dựa trên chỉ số tăng trưởng kinh tế quý I/2020 của TP.HCM là 0,42% và dựa trên dự báo về tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trên thế giới của IMF, kịch bản cơ sở xoay quanh mức tăng,trưởng 2,5%

Theo đó, kịch bản số 1 và số 2 dự báo tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2020 trong khoảng 3%-4%, tháng 4 có thể đạt mức 3,4%-4,12%.

Trong khi đó, kịch bản số 3 khả quan hơn, với dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 5,42%.  "Kịch bản 3 giả định kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhưng không rơi vào suy thoái.

“Tuy nhiên, thực tế qua quý I/2020 cho thấy nhiều nước đã bắt đầu rơi vào suy thoái và giảm sâu", ông Ngân nhận định.

Theo đó, ông Ngân cho biết chỉ kỳ vọng ở kịch bản 1 và 2 nhiều hơn cho sự phát triển của thành phố thời gian tới.

Đầu tiên, đây là cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị xanh, giảm thâm dụng lao động. Ông Ngân cho rằng, chống dịch vẫn quan trọng nhưng phải có biện pháp điều chỉnh phù hợp để đạt được mục tiêu kép.

Thứ 2, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ rất quan trọng trong triển khai thực hiện các giải pháp tài khóa, nhằm kích thích kinh tế và thực hiện an sinh xã hội. Cùng với đó là giải pháp của thành phố nhằm khai thác tốt tiềm năng của thị trường trong nước.

Thứ 3, thành phố phải hướng đến phục hồi năng suất hoạt động kinh tế theo chiều hướng gia tăng của thời kỳ trước dịch. Trong cơ cấu kinh tế thành phố, các ngành có triển vọng lớn phải có giải pháp cải thiện sản phẩm và tạo ra sản phẩm mới nhằm khai thác tốt hơn thị trường trong nước, thúc đẩy trở lại vai trò động lực của các ngành.

Thứ 4, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ thành phố thực hiện vai trò trung tâm kinh tế tài chính thương mại của cả nước.

Cuối cùng là các biện pháp, chính sách được triển khai thực hiện, nhằm vượt qua thách thức hiện tại cũng cần tính đến yếu tố mang tính cơ cấu ảnh hưởng đến sự phát triển trung hạn, dài hạn để phù hợp với xu hướng chuyển đổi của kinh tế thế giới trong bối cảnh dịch COVID-19. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hồ Văn