|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lượng tiền mặt trong nền kinh tế tăng hơn 307.000 tỷ đồng trong tháng đầu năm

09:25 | 27/03/2022
Chia sẻ
Lượng tiền mặt trong lưu thông tăng thêm 307.410 tỷ đồng trong tháng 1/2022, tương đương tăng hơn 20% so với đầu năm.

Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021. Như vậy, cung tiền đã nới rộng thêm 346.643 tỷ đồng, gấp gần 3,8 lần so với cùng kỳ. 

Trong đó, lượng tiền mặt trong lưu thông tăng thêm 307.410 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 20% so với đầu năm. Qua đó kéo tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán tăng lên 13,29%, mức cao nhất trong vòng ba năm qua. 

Cũng trong tháng 1, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,9 triệu tỷ đồng, tăng 0,32% so với đầu năm, tương đương gần 35.000 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, tiền gửi dân cư tăng hơn 103.000 tỷ chỉ trong tháng 1, tương đương tăng 1,95% lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng. Đây là tháng tiền gửi của người dân tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây.

Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) ghi nhận giảm hơn 68.000 tỷ, tương đương giảm 1,21% xuống hơn 5,57 triệu tỷ đồng.

Lượng tiền lưu thông trong hệ thống tăng mạnh ngay trong tháng 1 là không quá bất ngờ khi đây là thời điểm nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân tăng cao nhằm phục vụ chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán. Nhìn lại những năm trước đây, tỷ trọng tiền mặt cũng tăng mạnh trong tháng 1, sau đó giảm dần trong những tháng tiếp theo. 

Lượng tiền gửi và tiền mặt trong lưu thông tăng mạnh trong tháng đầu năm giúp tốc độ tăng trưởng cung tiền lần đầu tiên vượt tốc độ tăng tín dụng là 2,49% kể từ tháng 2/2021. Cung tiền đang tăng cao hơn tín dụng khoảng 87.000 tỷ đồng. 

Chứng khoán BIDV (BSC) từng đưa ra hai kịch bản chính cho tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 cho năm 2022.

Với kịch bản một, M2 và tín dụng ước tính lần lượt tăng 12% và 13%. Theo đó, tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh, lạm phát đi ngang so với hiện tại sẽ tạo nhiều áp lực lên chính sách nới lỏng hiện tại của NHNN. Hiện tượng này sẽ khiến cho M2 và tín dụng có mức tăng trưởng ngang với giai đoạn 2020-2021. 

Tại kịch bản số hai, M2 và tín dụng ước tính lần lượt tăng 14% và 13%. Tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới chậm, lạm phát nằm ở mức thấp và từ đó, tạo ít áp lực nâng lãi suất đối với NHNN. Bối cảnh tiền tệ ổn định có thể tạo điều kiện ổn định cho NHNN nâng mức lãi suất và tín dụng trên mức trung bình của giai đoạn 2020 và 2021. 

Mặt khác, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lạm phát hiện đang là rủi ro lớn nhất của chính sách tiền tệ, diễn biến cung tiền và tín dụng cần được theo dõi sát trong thời gian tới nhằm đảm bảo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Phương Nga