|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lượng tiền chờ giải ngân tiếp tục giảm sâu trong quý IV/2022, NĐT đang có 62.000 tỷ đồng nằm tài khoản

08:40 | 27/01/2023
Chia sẻ
Dữ liệu tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán luôn được nhà đầu tư quan tâm đặc biệt. Ước tính thời điểm cuối năm 2022, nhà đầu tư đang nắm giữ khoảng 62.000 tỷ đồng tiền trong tài khoản.

Lượng tiền gửi khách hàng tại 20 CTCK lớn nhất. Nguồn: LH tổng hợp.

Trái với con số kỷ lục về lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới năm 2022 (khoảng 2,6 triệu tài khoản mới), lượng tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán có xu hướng giảm sâu trong các quý của năm.

Thống kê tại 78 công ty chứng khoán trên thị trường, lượng tiền gửi khách hàng tại ngày 31/12/2022 khoảng 62.000 tỷ đồng, giảm hơn 13.000 tỷ đồng so với cuối quý III/2022. Trong đó, mức giảm tại 20 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường là khoảng 10.000 tỷ đồng. Thống kê này không quá khó hiểu khi thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua quý biến động mạnh nhất và đóng cửa năm với mức giảm hơn 30%.

Thông tin không mấy tích cực của thị trường sau vụ Vạn Thịnh Phát khiến VN-Index từng rơi xuống dưới ngưỡng 900 điểm gây ra tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Cộng hưởng là làn sóng bán giải chấp tài khoản của các lãnh đạo và nhóm cổ đông lớn tại Novaland (Mã: NVL), Phát Đạt (Mã: PDR), Hải Phát (Mã: HPX), Apax Holdings (Mã: IBC) khiến các cổ phiếu giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp.

Sự hồi phục của thị trường trong nửa sau của quý IV/2022 khiến nhà đầu tư vẫn chưa thể tham gia thị trường với tâm lý ổn định. Hệ quả là lượng “tiền gửi của khách hàng” tại các công ty chứng khoán tiếp tục giảm trong quý IV/2022, đánh dấu quý giảm thứ tư liên tiếp.

Quan sát cho thấy lượng tiền chờ giải ngân trong tài khoản của nhà đầu tư liên tiếp tăng lên trong năm 2021 khi thị trường diễn biến thuận lợi. Đỉnh điểm cuối quý I/2022 khi VN-Index nằm trong vùng 1.400 – 1.500 điểm, lượng tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán là hơn 100.000 tỷ đồng.

Sau đó thị trường bước vào nhịp điều chỉnh sâu và lượng tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vơi dần như nêu trên.

 Tiền gửi khách hàng tại 10 công ty chứng khoán lớn. Nguồn: LH tổng hợp.

Thống kê cụ thể, lượng tiền gửi khách hàng giảm tại 18/20 công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường. Có hai đơn vị ghi nhận mức tăng là Chứng khoán KIS (Việt Nam) và Yuanta Việt Nam, song mức tăng không lớn, chỉ đạt 135 tỷ đồng và 71 tỷ đồng.

Chứng khoán VPS tiếp tục là công ty có lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất thời điểm cuối năm 2022, ghi nhận là 17.948 tỷ đồng, giảm 1.097 tỷ đồng so với cuối quý III/2022. Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) là công ty có mức giảm tiền gửi khách hàng lớn nhất từ 6.524 tỷ đồng cuối quý III/2022 xuống còn 4.816 tỷ đồng, giảm 1.708 tỷ đồng.

Một đơn vị khác cũng ghi nhận mức giảm 1.411 tỷ đồng là Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS), lượng tiền gửi tại ngày 31/12/2022 là 1.565 tỷ đồng trong khi ngày 30/9 là 2.976 tỷ đồng,

Đứng thứ ba về lượng tiền gửi khách hàng trên thị trường là Chứng khoán SSI với 4.715 tỷ đồng, giảm nhẹ 181 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý trước đó. Đây cũng là mức giảm thấp nhất trong nhóm các công ty chứng khoán lớn.

Chứng khoán Mirea Asset (Việt Nam) có lượng tiền gửi khách hàng cuối năm 2022 là 3.114 tỷ đồng, giảm 770 tỷ đồng so với cuối quý III. Chứng khoán MB (Mã: MBS) ghi nhận mức giảm 615 tỷ đồng, còn 3.079 tỷ đồng.

Ngoài 2 đơn vị trên, các công ty chứng khoán có mức giảm tiền gửi khách hàng trên 400 tỷ đồng như VCBS (giảm 480 tỷ đồng), FPT (- 689 tỷ đồng), TCBS (- 732 tỷ đồng), SHS (- 633 tỷ đồng), Tân Việt (TVSI, - 759 tỷ đồng). 

Hoàng Linh