Khối tự doanh tiếp tục gom cổ phiếu trước kỳ nghỉ lễ Tết Quý Mão, bluechip nào được gom nhiều nhất?
Tổng quan về thị trường tuần (16 – 19/1), VN-Index tăng 4,52%, đóng cửa tuần ở 1.108,8 điểm. Kể từ đầu năm nay, chỉ số tăng 10,3%, vượt trội so với nhiều thị trường khác trong khu vực châu Á như Nhật Bản (1,19%), Hàn Quốc (6,44%), Indonesia (-0,67%), Thái Lan (1,19%).
Diễn biến tích cực của thị trường thu hút dòng tiền tham gia, giúp cải thiện thanh khoản của thị trường. Thống kê cho cho thấy giá trị khớp lệnh bình quân toàn thị trường tuần (16 – 19/1) là 10.451 tỷ đồng, tăng 12,39% so với tuần trước đó.
Khối tự doanh tiếp tục gom cổ phiếu trước kỳ nghỉ lễ tết Quý Mão
Về xu hướng dòng tiền, nhà đầu tư ngoại đảo chiều mua ròng hơn 2.300 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE và tiếp tục vào ròng trên HNX và UPCoM.
Bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục xu hướng mua ròng tuần thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm 2023. Thống kê cho thấy khối này mua ròng trong cả 4 phiên tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ. Giá trị mua và bán thu hẹp trong hai ngày giao dịch sát kỳ nghỉ (18 – 19/1).
Theo thống kê, giá trị mua ròng cổ phiếu của khối tự doanh trên sàn HOSE đạt 560,5 tỷ đồng tuần (16 – 19/1), nâng quy mô mua ròng kể từ đầu năm 2023 lên 1.468 tỷ đồng. Trên sàn HNX, khối tự doanh tiếp tục bán ròng tuần thứ ba liên tiếp với giá trị 24,1 tỷ đồng. Giao dịch trên thị trường UPCoM, khối tự doanh đảo chiều bán ròng nhẹ 8,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với xu hướng mua ròng áp đảo trên HOSE, quy mô mua ròng cổ phiếu trên toàn thị trường tuần cuối năm Nhâm Dần đạt gần 528 tỷ đồng.
Với giao dịch chứng quyền, chứng chỉ quỹ ETF nội, khối tự doanh bán ròng tuần thứ 17 liên tiếp với giá trị 273,1 tỷ đồng. Hoạt động bán ròng tập trung vào các mã như FUESSVFL (134,6 tỷ đồng), E1VFVN30 (98,2 tỷ đồng), FUEVFVND (36,3 tỷ đồng), FUEVF100 (2,3 tỷ đồng).
Những mã nào được khối tự doanh mua bán mạnh nhất?
Trở lại với giao dịch cổ phiếu, nhóm tự doanh tập trung giao dịch cổ phiếu bluechip nhóm ngân hàng và họ Vingroup trước kỳ nghỉ lễ. Cổ phiếu MBB của Ngân hàng MB dẫn đầu về quy mô mua ròng với giá trị hơn 50,5 tỷ đồng. Ngoài MBB, Top10 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất còn có sự góp mặt của hai mã ngân hàng là VPB (34,9 tỷ đồng) và VCB (25,9 tỷ đồng).
Trong tuần giao dịch tích cực, cổ phiếu HPG của Hòa Phát cũng được mua ròng 47,2 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu “họ Vingroup” là VHM và VIC được mua ròng lần lượt 33,6 tỷ đồng và 31,6 tỷ đồng.
Lực mua của khối tự doanh còn xuất hiện ở các cổ phiếu vốn hóa lớn với giá trị 25 – 35 tỷ đồng như MSN (33,1 tỷ đồng), FPT (32,9 tỷ đồng), VNM (30,4 tỷ đồng), GEX (30,1 tỷ đồng).
Ở chiều bán ra, cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu với 24,5 tỷ đồng, theo sau là POW (19,6 tỷ đồng), NVL (12,7 tỷ đồng). Những mã còn lại bị bán với quy mô dưới 10 tỷ đồng là LPB, VCG, DGW.
Khối tự doanh ưu tiên Bán (Short) trên thị trường phái sinh
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối tự doanh đẩy mạnh giao dịch so với tuần trước đó. Tổng số hợp đồng giao dịch trong tuần đạt hơn 32.000 tỷ hợp đồng, trong khi tuần (9 – 13/1) đạt 27.237 hợp đồng.
Khối tự doanh ưu tiên cho vị thế Bán (Short) với khối lượng 18.766 hợp đồng trong khi vị thế Mua (Long) là 13.256 hợp đồng. Trong cả ba phiên (17 – 19/1), khối lượng hợp đồng với vị thế Bán (Short) đều có sự áp đảo.