VN-Index lọt Top3 chỉ số tăng mạnh nhất thế giới nhờ nhóm ngân hàng dẫn sóng, khối tự doanh gom những cổ phiếu vua nào?
Trước tiên, xét tổng quan, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khởi đầu năm 2023 đầy thuận lợi, VN-Index tăng hơn 10% trong khoảng thời gian 3 – 19/1 và lọt Top3 chỉ số chứng khoán tốt nhất thế giới. Mức tăng của VN-Index kể từ đầu năm chỉ xếp sau hai chỉ số là EGX30 – Egyptian Stock Exchange (15,02%) và LuxX Luxembourg Stock Exchange (10,98%).
Giao dịch tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày đầu năm mới được nâng đỡ bởi nhóm ngân hàng. Loạt cổ phiếu vua đóng góp tích cực nhất đưa VN-Index vượt mốc 1.100 điểm trong những ngày cuối năm âm lịch Nhâm Dần.
Về dòng tiền, đây cũng là nhóm được khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng mạnh nhất trên thị trường. Thống kê giao dịch tại 27 cổ phiếu cho thấy khối tự doanh thực hiện giao dịch tại 17/27 mã trong khoảng thời gian từ ngày 3/1 đến ngày 19/1.
Những mã không xuất hiện giao dịch từ khối tự doanh CTCK đa phần đang giao dịch trên thị trường UPCoM hay niêm yết trên HNX như ABB, BAB, BVB, KLB, NAB, NVB, PGB, SGB, VAB và VBB.
Cụ thể, khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng hơn 611 tỷ đồng nhóm ngân hàng trên tổng quy mô mua ròng gần 1.500 tỷ đồng cổ phiếu toàn thị trường. Theo sau nhóm ngân hàng, khối tự doanh mua ròng các nhóm như bất động sản (184 tỷ đồng), chứng khoán (160 tỷ đồng), thép (124 tỷ đồng), bán lẻ (144 tỷ đồng).
Thống kê giao dịch chi tiết hơn, khối tự doanh mua vào hơn 56,3 triệu cổ phiếu ngân hàng với tổng giá trị 1.298 tỷ đồng và bán ra hơn 27 triệu cổ phiếu với giá trị 687 tỷ đồng.
Cổ phiếu VPB của VPBank được mua bán nhộn nhịp nhất khi được mua vào 12,89 triệu cổ phiếu và bán ra 6,27 triệu cp, tương ứng quy mô mua – bán lần lượt là 245,7 tỷ đồng và 120,6 tỷ đồng. Giá trị mua ròng với mã này là hơn 125 tỷ đồng. Trong quãng thời gian khối tự doanh mua ròng, cổ phiếu VPB tăng giá nhẹ từ 17.900 đồng/cp lên 19.500 đồng/cp.
Tuy nhiên, MBB mới là cổ phiếu vua được mua ròng nhiều nhất trong những ngày đầu năm với giá trị gần 133 tỷ đồng. Khối tự doanh mua vào gần 8,5 triệu cổ phiếu này trong khi chỉ bán ra hơn 1,3 triệu đơn vị. Giá cổ phiếu MBB tăng từ 17.100 đồng/cổ phiếu lên 19.600 đồng/cp.
Theo sau hai cổ phiếu trên, mã TCB của Techcombank được mua ròng hơn 3,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 98 tỷ đồng.
Với nhịp tăng giá tốt từ 21.900 đồng/cp lên 26.000 đồng/cp, mã ACB cũng thu hút dòng tiền từ khối tự doanh khi được mua ròng 3,54 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 84,5 tỷ đồng.
Quy mô mua ròng trên 50 tỷ đồng còn xuất hiện tại các cổ phiếu của các ngân hàng tư nhân khác như VIB (64,3 tỷ đồng), STB (62 tỷ đồng), VCB (57 tỷ đồng). Cùng với ACB, hai cổ phiếu VIB và STB giao dịch khởi sắc trong những ngày đầu năm với tỷ lệ tăng giá lần lượt là 15% và 19,1%.
Song, những mã tác động lớn nhất đến VN-Index phải kể đến cổ phiếu của những ngân hàng quốc doanh với giao dịch ấn tượng. Mã VCB của Vietcombank tăng giá 16,25% từ 80.000 đồng/cp lên 93.000 đồng/cp. Trái với việc nhiều bluechip đang dò đáy, cổ phiếu VCB đang giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử.
Tương tự, cổ phiếu BID của BIDV cũng tăng giá 19%, đóng cửa phiên 19/1 ở 45.950 đồng/cp. Đây là mức giá cách đỉnh lịch sử của cổ phiếu này không xa. Trong những ngày đầu năm, khối tự doanh CTCK mua ròng 10,6 tỷ đồng mã này.
Ngoài những cổ phiếu trên, khối tự doanh mua vào các mã ngân hàng với quy mô tển 10 tỷ đồng như CTG (29,4 tỷ đồng), TPB (25,7 tỷ đồng), MSB (17,7 tỷ đồng), HDB (13,2 tỷ đồng), SHB (13,1 tỷ đồng). Các mã khác ghi nhận giá trị dưới 10 tỷ đồng có OCB, LPB và SSB.
Cổ phiếu ngân hàng duy nhất bị khối tự doanh bán ròng là EIB của Eximbank. Theo thống kê, khối tự doanh CTCK bán ra gần 6,5 triệu cổ phiếu EIB với giá trị 178 tỷ đồng và mua vào 1,22 triệu đơn vị với giá trị 32,5 tỷ đồng. Theo đó, quy mô bán ròng là hơn 145,5 tỷ đồng, tương ứng mức giá bình quân 27.790 đồng/cp. Đóng cửa phiên 19/1, cổ phiếu EIB ở 27.100 đồng/cp.