Lúng túng với vốn vay nước ngoài
Cách đây hơn một tuần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trả bản Báo cáo về việc điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 về cho Chính phủ làm và trình lại. Đã gần cuối quí 3-2016 mà kế hoạch giải ngân, điều hòa vốn vẫn chưa được quyết định dứt khoát. Nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến dự toán ngân sách nhà nước năm nay, nhất là phần chi ngân sách và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bội chi ngân sách.
Từ năm 2014 đến nay, bội chi ngân sách luôn bị tác động mạnh theo chiều hướng tăng lên. Một phần do GDP thực tế giảm xuống, phần chi tiêu, trong đó có kế hoạch huy động vốn ODA bị vượt.
Theo số liệu thống kê được Chính phủ công bố, bội chi ngân sách năm 2014 không phải là 5,3% GDP như kế hoạch mà là 6,7% GDP nếu tính đủ cả phần ODA huy động vượt. Năm 2015, ngoài 20.000 tỉ vốn ODA, việc huy động thêm 30.000 tỉ nữa đã kéo bội chi từ mức 5% lên 6,1%.
Tình hình giải ngân vốn nước ngoài năm nay chắc chắn còn biến động nhiều hơn do cơ chế giao và thực hiện vốn đã thay đổi hoàn toàn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, từ năm 2015 về trước, Chính phủ cho phép các bộ, ngành và địa phương giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài theo tiến độ thực hiện và giải ngân theo hiệp định vay vốn đã ký kết. Bộ cho rằng, cơ chế linh hoạt đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn nước ngoài vượt kế hoạch được giao.
Tuy nhiên, từ năm 2016, cơ chế trên không được phép áp dụng nữa. Các bộ, ngành, địa phương chỉ được thực hiện và giải ngân theo kế hoạch vốn đã giao. Đồng thời, các nhà tài trợ cũng chỉ được phép chuyển tiền cho dự án theo kế hoạch giao vốn. Cơ chế giải ngân mới đã bắt đầu từ tám tháng nay song các địa phương chủ yếu vẫn làm theo cách cũ nên việc dự kiến kế hoạch vốn và tiến độ giải ngân đã gặp nhiều lúng túng và trục trặc.
Tại một tờ trình hôm 16-8-2016 của Chính phủ gửi UBTVQH, trong tổng số vốn nước ngoài năm 2016 là 50.000 tỉ đồng, Quốc hội đã phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương 48.700 tỉ đồng, còn 1.300 tỉ đồng dự phòng chưa phân bổ. Tuy nhiên, đến tháng 5-2016, tỷ lệ giải ngân mới đạt 36,1% kế hoạch.
Phân tích báo cáo về việc điều chỉnh vốn nước ngoài của Chính phủ, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng tiến độ giải ngân như vậy là quá chậm. Tiến độ giải ngân của các dự án lại rất khác nhau.
Hiện chỉ có 3/64 địa phương giải ngân hết kế hoạch được giao (TPHCM, Tuyên Quang và Ninh Bình). Năm địa phương giải ngân được trên 50% kế hoạch. Còn lại, phần lớn giải ngân thấp hoặc hoàn toàn chưa giải ngân vốn. Thậm chí một số bộ, ngành địa phương mới nhận được kế hoạch giao dự toán nhưng đến tháng 7, Chính phủ đã đề nghị thu hồi.
Đáng nói là có ba địa phương (Bắc Ninh, Đồng Nai và Khánh Hòa) hoàn toàn không có nhu cầu giải ngân mà vẫn được bố trí vốn, tổng cộng 78,5 tỉ đồng.
Lý giải về sự vô lý này, Bộ KH&ĐT nói rằng, tại thời điểm xây dựng kế hoạch và dự kiến chi tiết danh mục dự án (tháng 9-2015), các địa phương đề xuất bố trí kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 cho một số dự án chuyển tiếp nên bộ này đưa các địa phương này vào danh sách. Tuy nhiên sau đó, các tỉnh đã bố trí đủ vốn nước ngoài từ các nguồn khác (tất nhiên cũng từ ngân sách) nên không có nhu cầu nữa.
Song, vấn đề là Quốc hội thông qua danh mục dự án cuối năm 2015, tức là nhiều tháng sau khi Bộ KH&ĐT dự toán mà bộ không có sửa đổi gì. Hoặc như dự án của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có quyết định đầu tư từ năm 2014, không được đưa vào dự toán năm 2016 trình Quốc hội quyết định, nay lại đề nghị bổ sung cũng thể hiện việc lên danh mục dự án là không có kế hoạch.
Chính Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận: đây là hậu quả của việc lúng túng, thiếu sự phối hợp giữa bộ phận vốn với các bộ, ngành, địa phương. Nó diễn ra trong điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp, giá trị vay vốn và lãi suất vay vốn nước ngoài mỗi năm một thắt chặt hơn. Nơi cần vốn để đẩy nhanh dự án thì không có, nơi không cần thì thừa vốn.
Đó là chưa nói đến việc, một số dự án kết thúc hiệp định vay vốn trong năm nay, nếu nhà tài trợ không đồng ý kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau mà chấm dứt việc cấp vốn thì chắc chắn nhiều dự án sẽ bị ngưng trệ trong khi không cân đối được vốn trong nước để chi trả khối lượng còn lại của dự án. Hơn nữa, điều này có khả năng ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong việc thực hiện các hiệp định đã ký kết với các nhà tài trợ nước ngoài, ảnh hưởng chung đến vay nợ nước ngoài.
Chính phủ đã phải giảm dần tỷ lệ vay nước ngoài để chuyển qua vay nợ trong nước. Song, vay nợ trong nước do đến hạn không trả được nên lại tính chuyện vay nước ngoài để đảo nợ trong nước. Vòng luẩn quẩn đó sẽ có nguy cơ dài ra nếu cách phân bổ và dùng vốn vay nước ngoài cứ lúng túng và thiếu hiệu quả như nhìn từ bản phân vốn nước ngoài năm 2016.
Một số dự án kết thúc hiệp định vay vốn trong năm nay, nếu nhà tài trợ không đồng ý kéo dài thời gian giải ngân thì chắc chắn nhiều dự án sẽ bị ngưng trệ trong khi không cân đối được vốn trong nước để chi trả khối lượng còn lại dự án. |
Theo Lan Nhi
TBKTSG