|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Luật sư hiến kế để doanh nghiệp xử lí tình trạng mạo danh như trường hợp mô hình lừa đảo OCB Life

18:00 | 09/10/2020
Chia sẻ
Để kiểm soát chặt chẽ hoạt động mạo danh, các doanh nghiệp nên thực hiện các bước từ mềm mỏng là cảnh cáo đến cứng rắn là khởi kiện nhằm bảo vệ uy tín, quyền lợi của họ cũng như quyền lợi khách hàng, theo một luật sư ở Hà Nội.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã công bố thông cáo liên quan đến khả năng người dân nhầm lẫn Tập đoàn tài chính OCB với thương hiệu "OCB" của ngân hàng.

Cộng đồng mạng đang lan truyền thông tin về việc nhiều cá nhân, khách hàng "sập bẫy" mất hàng chục tỉ đồng khi đầu tư vào Tập đoàn Tài chính OCB. Trong câu chuyện, họ đề cập đến những cái tên: OCB life, OCB Lending, OCB Master, Tập đoàn tài chính đa quốc gia OCB Life (IEO Of Blockmax),…

Theo ngân hàng TMCP Phương Đông, việc các tổ chức này gắn "Nhãn OCB" để sử dụng đã khiến nhiều người nhầm lẫn với thương hiệu của ngân hàng.

"Sự việc quảng bá này có dấu hiệu bất minh, vi phạm các qui định liên quan đến việc bảo hộ thương hiệu được đăng kí,  ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của ngân hàng", thông cáo ghi rõ.

Luật sư hiến kế để doanh nghiệp xử lí tình trạng mạo danh như trường hợp mô hình lừa đảo OCB Life - Ảnh 1.

OCB Life kí kết hợp tác chuyển giao công nghệ với BBI Việt Nam. (Ảnh: OCB Life)

OCB cho rằng việc cá nhân, tổ chức khác sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu được OCB đăng kí bảo hộ mà chưa được ngân hàng chấp thuận là trái các qui định pháp luật. Để bảo vệ hình ảnh, thương hiệu và quyền lợi của ngân hàng, OCB sẽ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thanh tra làm rõ, thậm chí thực hiện các thủ tục tố tụng theo qui định, buộc các cá nhân, tổ chức vi phạm phải chấm dứt việc này.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Dinh thuộc hãng luật TGS - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhận định thực trạng mạo danh các thương hiệu lớn (nhãn hiệu, tên thương mại) đang khá phổ biến trên thị trường Việt Nam. 

"Để kiểm soát chặt chẽ hoạt động mạo danh, các doanh nghiệp nên thực hiện các bước từ mềm mỏng là cảnh cáo đến cứng rắn là khởi kiện nhằm bảo vệ uy tín, quyền lợi của họ cũng như quyền lợi khách hàng", luật sư Dinh phát biểu. 

Trước tiên, theo luật sư, doanh nghiệp cần công bố các thông tin liên quan đến nhãn hiệu mà họ có quyền hiện diện trên các phương tiện dịch vụ để thông báo rằng, nhãn hiệu đang là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ của công ty doanh nghiệp và đang được bảo hộ. 

Luật sư hiến kế để doanh nghiệp xử lí tình trạng mạo danh như trường hợp mô hình lừa đảo OCB Life - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Dinh thuộc hãng luật TGS - Đoàn Luật sư TP Hà Nội. (Ảnh: Nhạc Phong)

"Đồng thời, doanh nghiệp khuyến cáo các chủ thể khác chấm dứt hành vi xâm phạm cũng như giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm, dịch vụ chính hãng. Đây cũng là phương thức cảnh báo các chủ thể vi phạm và khách hàng về hành vi xâm phạm nhãn hiệu, hình ảnh", chị Dinh nhận định.

Với tư cách là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể thực thi quyền thông qua việc gửi thông báo bằng văn bản đến chủ thể đang có hành vi xâm phạm, yêu cầu chấm dứt hành vi đó. Trong văn bản, doanh nghiệp cần ấn định thời gian hợp lí để người xâm phạm chấm dứt hành vi.

Nếu quá thời hạn ấn định mà bên vi phạm vẫn không có động thái chấm dứt hành vi xâm phạm, doanh nghiệp có thể làm đơn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm bằng các biện pháp hành chính đối với bên vi phạm, với tài liệu, chứng cứ kèm theo.

"Cuối cùng, doanh nghiệp có thể khởi kiện dân sự hoặc tố giác hành vi nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đây là biện pháp mang tính chất khắt khe nhất đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu, tên thương mại mà công ty đang nhận sự bảo hộ hợp pháp", luật sư nhận xét.

Nhạc Phong