Luật sư của Vũ 'nhôm': Ông Vũ không có cùng mục đích thực hiện tội phạm với ông Bình
Chiều 29/5, TAND Cấp cao TP HCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank - Mã: DAB).
Ông Trần Phương Bình không muốn Vũ "nhôm" biết nguồn tiền 200 tỉ đồng?
Tại phiên tòa, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch bào chữa cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") cho biết, ngay khi được ông Trần Phương Bình (Nguyên Tổng giám đốc DongA Bank) chào mua 60 triệu cp DongA Bank với trị giá 600 tỉ đồng, ông Vũ đã trao đổi với ông Bình là mình không hiểu biết gì về lĩnh vực ngân hàng, rất sợ rủi ro về tài chính và cũng không có sẵn nguồn tiền mặt để mua cổ phần.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ. (ảnh: MA)
Theo LS, ông Vũ tìm đến ông Bình để được mua số cổ phần này của DongA Bank và cũng không che dấu sự quan ngại về những rủi ro, cộng với sự không hiểu biết từ việc mua bán loại hình tài sản này.
Để ông Vũ an tâm, tin tưởng và chấp nhận lời đề nghị, ông Bình nói với ông Vũ rằng: "Anh ở trong Đông Á, anh rất hiểu về tình trạng, tiềm năng và sự phát triển của ngân hàng và anh cam kết sẽ chịu trách nhiệm nếu cổ phiếu DAB xuống thì anh sẽ bù lỗ…".
LS Trạch cho rằng, sự thuyết phục này thể hiện ông Bình đã có toan tính, động cơ của mình khi đưa lời chào mời có cam kết. Vì tin vào những lời nói của ông Bình nên Công ty Bắc Nam 79 đã tiến hành các thủ tục đăng ký mua cổ phần trong đợt tăng vốn từ 5.000-6.000 tỉ đồng năm 2014.
Để thực hiện thủ tục đăng ký mua 60 triệu cp, ông Vũ đã thế chấp 220 lô đất tại Đà Nẵng. Sau khi xem xét, Hội đồng định giá tín dụng chi nhánh Đà Nẵng chỉ duyệt cho vay 400 tỉ (mặc dù tài sản thế chấp trị giá trên 600 tỉ).
"Vì chỉ được duyệt vay 400 tỉ nên ông Vũ đã trao đổi với ông Bình là chỉ mua 40 triệu cp với đúng giá trị tài sản thế chấp là 400 tỉ đồng mà thôi. Điều này cho thấy, ông Vũ đã thực hiện giao dịch mua hợp pháp, ngay tình và trung thực trên gao dịch thế chấp và xác định số lượng cổ phần sẽ mua trên số vốn thực có", LS Trạch trình bày.
LS cho rằng, ông Bình đã thừa nhận thực hiện hành vi thu khống, treo quỹ số tiền 200 tỉ đồng mà không cho ông Vũ biết mình đã làm như thế nào để có 200 tỉ chuyển vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79.
Đồng thời, ông Bình đã che dấu không cho ông Vũ biết tình trạng nợ xấu cũng như âm quỹ của DongA Bank, chỉ vì Công ty Bắc Nam 79 muốn trở thành một cổ đông chiến lược của DongA Bank nên đã không nói cho Vũ biết về nguồn tiền 200 tỉ là từ đâu và muốn chứng minh thực lực của DongA Bank cũng như của chính bị cáo Bình.
Vũ "nhôm" chỉ là người bị hại?
Theo LS của Vũ "nhôm", điều này thể hiện ông Bình đã đơn phương thực hiện việc thu khống 200 tỉ đồng nhằm mục đích mong muốn Công ty Bắc Nam 79 trở thành cổ đông chiến lược, giúp DongA Bank giải quyết các vấn đề khó khăn thời điểm bấy giờ.
Như vậy, cho thấy ông Vũ không có cùng mục đích thực hiện tội phạm với ông Bình. LS Trạch cho rằng, đây là dấu hiệu chủ quan của tội phạm.
Trong việc này, ông Vũ chỉ là người bị hại bởi những toan tính, không trung thực, che giấu thực trạng âm quỹ, nợ xấu… của DongA Bank và sự chủ động đưa ông Vũ vào giao dịch bị lừa dối bởi chính ông Bình.
"Ông Bình đã nói trước Toà ngày 28/11 và 29/11 rằng, bản thân ông cảm thấy có lỗi về việc đã không trung thực với ông Phan Văn Anh Vũ về giao dịch mua bán cổ phần trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2014, cũng như không nói cho ông Vũ biết về nguồn gốc số tiền 200 tỉ đồng này", LS Trạch giải thích.
Tại phiên tòa sơ thẩm cuối 2018, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Vũ 17 năm tù, tổng hợp với bản án 8 năm tù TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó (đã có hiệu lực), bị cáo phải nhận 25 năm tù; buộc bồi thường hơn 200 tỉ đồng cho DongA Bank.
Ngoài ra, ông Vũ còn bị kiến nghị điều tra vì cho rằng có dấu hiệu phạm tội khác liên quan đến khoản tiền 13,4 triệu USD giao dịch với ông Bình.