|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Lùa gà' là gì mà hết Khoa Pug, Johnny Dang, Viruss đến tỷ phú Elon Musk đều bị gắn mác này?

16:31 | 27/12/2021
Chia sẻ
Tiền điện tử đang trở nên phổ biến hơn trong năm qua, nhưng cũng xuất hiện nhiều rủi ro liên quan đến thuật ngữ 'lùa gà'.

Những tháng cuối năm 2021, trên mạng xã hội xuất hiện các lùm xùm liên quan đến hành vi "lùa gà" trên các sàn giao dịch tiền ảo. Một số cái tên được nhắc đến trong những vụ việc này gồm: YouTuber Khoa Pug, triệu phú USD Johnny Dang hay mới nhất là streamer đình đám Viruss.

Những cá nhân này bị nhiều người cho rằng họ đã dùng hình ảnh và sự nổi tiếng của mình để quảng cáo cho các đồng tiền mã hóa, qua đó kiếm về lợi nhuận cho bản thân. Kể từ đó, dòng chữ "lùa gà" thường xuyên được sử dụng để nói về những cá nhân kể trên.

Định nghĩa về "lùa gà"

Thực tế, thuật ngữ "lùa gà" đã xuất hiện từ rất lâu trước khi xảy ra những vụ việc liên quan đến Khoa Pug, Johnny Dang hay Viruss. "Lùa gà" được sử dụng phổ biến nhất trong giới giao dịch tiền ảo. 

Thuật ngữ này được dùng để chỉ hành vi của những người chuyên vẽ vời, mở ra một tương lai rộng mở với khoản lợi nhuận khổng lồ. Bên cạnh đó, những cá nhân tham gia theo những chuyên gia "lùa gà" này được gọi là "gà".

Vì sao Khoa Pug, Johnny Dang, Viruss,.. cho tới tỷ phú Elon Musk bị gán mác 'lùa gà'? - Ảnh 1.

Drama giữa Viruss và một nhà đầu tư tài chính nổi tiếng trên mạng xã hội. (Ảnh: Chụp màn hình).

Khi "gà" đã tham gia vào các khoản đầu tư này, họ có thể gặp rủi ro. Chẳng hạn như bị bỏ rơi giữa chừng, không chịu trách nhiệm với các khoản giao dịch hoặc không có bất kỳ cảnh báo nào về nguy cơ mất tiền. 

Mục đích chủ yếu của các đối tượng này là đánh vào lòng tham của nhiều người về cơ hội kiếm được những khoản lợi nhuận khủng, qua đó trục lợi cho bản thân.

Trước những vụ việc liên quan đến Khoa Pug, Johnny Dang hay Viruss, năm 2021 đã chứng kiến nhiều vụ việc liên quan đến thuật ngữ "lùa gà" trên thị trường tiền điện tử, nổi tiếng nhất có thể kể đến các "hot girl, hot boy" tài chính, những người tự mệnh danh là thánh đọc lệnh, kẻ hủy diệt thị trường,…

Ngoài ra, còn có sự việc khác liên quan đến sàn đa cấp BitcoinDeFi của một cá nhân có tên Phạm Tuấn, người tự nhận mình là "đàn em" giang hồ mạng "Khá bảnh". Sau khi công bố sàn giao dịch này, Phạm Tuấn cùng nhiều thông tin khác bỗng dưng biến mất, qua đó khiến các nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng loạn khi không rút được tiền. Chính từ những vụ việc đó, thuật ngữ "lùa gà" ngày càng trở nên phổ biến.

Những chiêu trò "lùa gà" phổ biến

Hình thức "lùa gà" phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến chính là khoe khoang tài sản, các danh mục đầu tư với khoản lãi khổng lồ, qua đó khiến nhiều người cả tin, ăn theo các đội nhóm này.

Giai đoạn tháng 7, tháng 8, sự nổi lên của các chuyên gia đọc lệnh, thợ tỉa nến,… đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Những người này thường có độ tuổi rất trẻ, thậm chí chưa học hết đại học, nhưng thường xuyên khoe sự thành công và xuất hiện bên những bộ đồ đắt tiền, biệt thự sang trọng hay các dàn xế hộp tiền tỷ.

"Chỉ với 500 USD, sau 2-3 ngày bạn có thể hoàn vốn", lời giới thiệu của H, một người tự nhận là "chuyên gia tài chính 4.0" của một sàn có tên Pocinex viết trên Facebook cá nhân. Mức lợi nhuận cam kết này tương đương với 1.000% trong một tháng. Ở Pocinex thường có những leader và họ sẽ tuyển thêm cấp dưới để hưởng hoa hồng. Hoa hồng này được tính theo 7 cấp.

Một hình thức "lùa gà" khác cũng xuất hiện trên thị trường là lập nhóm chiêu dụ người tham gia đầu tư. Ở hình thức này, những người chuyên lùa gà sẽ xây dựng đội nhóm riêng để kêu gọi những người đầu tư với số vốn ít nhưng sinh lời cao. 

Những người cả tin sẽ đưa tiền để những người chuyên đi lùa gà đem đi đầu tư, khá giống với hình thức ủy thác. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ là hình thức đầu tư này không có sự cam kết hay đảm bảo, người tham gia đầu tư rất khó để rút tiền về.

Vì sao Khoa Pug, Johnny Dang và Viruss dính mác "lùa gà"?

YouTuber Khoa Pug và triệu phú USD Johnny Dang từng là cặp đôi khá thân thiết, từng xuất hiện cùng nhau trong nhiều video tại Mỹ, khiến người xem nể phục về độ giàu có. Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian, các video về cả hai bỗng chốc bị xóa khỏi các kênh YouTube chính thức. Kể từ đó, người xem mới vỡ lẽ là mối quan hệ giữa hai bên đã rạn nứt, và lý do chính đến từ đồng tiền ảo DBZ (Diamond Boyz Coin).

Vì sao Khoa Pug, Johnny Dang, Viruss,.. cho tới tỷ phú Elon Musk bị gán mác 'lùa gà'? - Ảnh 2.

Khoa Pug và Johnny Dang bị gán mác "lùa gà" dù đã không còn dính líu đến nhau. (Nguồn: Khoa Pug).

Trước đó, khi còn xuất hiện cùng nhau trên các video, cả hai đều đề cập đến đồng tiền ảo này. Mặc dù không trực tiếp kêu gọi người khác đầu tư, nhưng với sự ảnh hưởng trên mạng xã hội, Khoa Pug cũng gián tiếp giúp đồng tiền này trở nên nổi tiếng. Ngoài ra, YouTuber này cũng trở nên giàu có nhờ tiền ảo, vì vậy không ít người bày tỏ sự tin tưởng vào đồng DBZ.

Dù vậy, DBZ sau đó rớt giá nghiêm trọng, khiến YouTuber Khoa Pug bỗng chốc bị gán mác "lùa gà" bởi trước dó anh từng khẳng định đã sở hữu hàng triệu đồng tiền ảo này, khiến nhiều nhà đầu tư mặc định rằng đồng tiền này sẽ không lỗ.

Sau khi vụ việc giữa Khoa Pug và Johnny Dang được giải thích, cư dân mạng mới vỡ lẽ rằng DBZ thực chất là một đồng tiền vô giá trị, được người khác làm ra chứ không phải do Johnny Dang tạo ra. 

Theo lời kể của Khoa Pug, Johnny Dang muốn mượn danh của nam YouTuber để đánh bóng đồng tiền ảo này, qua đó kiếm lời từ những người khác, đặc biệt là những nhà đầu tư ở Việt Nam.

Mới nhất, tới lượt nam streamer đình đám Viruss cũng bị gán mác "lùa gà". Sự việc bắt đầu từ khi ViruSs đăng tải video chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và hướng dẫn nhập môn với cryptocurrency hay còn gọi là tiền ảo trên kênh TikTok có hơn 1,6 triệu người theo dõi của mình.

Nhà đầu tư Trần Văn Phúc với tài khoản TikTok là Zet Under sau đó đã để lại bình luận: "Kinh nghiệm thị trường chưa được 3 tháng đã đi lùa gà rồi à", ngay phía dưới video của streamer nổi tiếng. Và kể từ đó mọi tranh cãi giữa hai nhân vật này bắt đầu nổ ra.

Tuy vậy, khi sự việc đang thu hút được sự chú ý, ViruSs lại bất ngờ tuyên bố chấm dứt câu chuyện. Trong nhóm Telegram dành để chia sẻ kiến thức, ViruSs cho biết: "Tớ thông báo tớ sẽ khóa riêng tư toàn bộ video trên Youtube để không ảnh hưởng tới những người anh em và những người bạn mới". Nam streamer thông báo dừng mọi lùm xùm sau tuyên bố trên. Hiện tại những clip đăng tải trên YouTube liên quan đến vụ việc đã được ViruSs ẩn khỏi nền tảng.

Không chỉ Khoa Pug, Johnny Dang hay Viruss, rất nhiều cá nhân nổi tiếng khác cũng bị gán mác "lùa gà" trên thị trường tiền điện tử, tiêu biểu có thể kể đến tỷ phú Elon Musk với những dòng tweet về Bitcoin hay Dogecoin. Tất nhiên, sau mỗi dòng tweet của tỷ phú giàu nhất thế giới, những đồng tiền này lại có sự biến động nhất định.

Rõ ràng, thế giới tiền điện tử là một nơi chứa đầy những rủi ro. Bất kỳ cá nhân nào cũng có khả năng trở thành "gà" để bị lùa trên thị trường này nếu không trang bị đầy đủ kiến thức cũng như có cái nhìn chính xác về tiền điện tử.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Anh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.