Lọt top 100 startup đáng chú ý nhất châu Á - Thái Bình Dương, Med247 đón 400 bệnh nhân mỗi ngày
Lần đầu tiên Tạp chí Forbes công bố bảng xếp hạng Forbes Asia 100 to Watch, trong đó đưa ra danh sách các công ty nhỏ và startup đáng chú ý đang trên đà phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam có 4 startup góp mặt trong danh sách này gồm: Hoozing, Logivan, Lozi và Med247. Trong đó, Med247 là đại diện duy nhất của Việt Nam trong ngành công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe.
Nền tảng này cung cấp các dịch vụ y tế từ ngoại tuyến đến trực tuyến suốt ngày đêm thông qua ứng dụng di động và liên kết với các phòng khám đầy đủ dịch vụ. Công ty đã huy động được 1 triệu USD nhằm mở rộng quy mô thông qua quan hệ đối tác.
Bà Nguyễn Minh Thảo - đồng sáng lập Med247 chia sẻ, từ năm 2020 tới nay, công ty chứng kiến sự tăng trưởng 30-35% hàng tháng với tổng số người sử dụng ứng dụng hiện tại là gần 40.000 khách hàng.
Trong làn sóng dịch lần thứ 4, startup này phục vụ và hỗ trợ y tế cho trung bình 300-400 lượt bệnh nhân mỗi ngày trên toàn hệ thống, song song với việc tiếp tục đón nhận bệnh nhân khám bệnh trực tiếp tại hệ thống phòng khám tiện lợi.
Tuy nhiên, theo bà Thảo, công ty đang đối mặt với một số rào cản. Trước hết, hành lang pháp lý hướng dẫn cụ thể cho việc vận hành một mô hình khám chữa bệnh từ xa còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hành lang pháp lý bảo vệ đội ngũ bác sĩ trong việc an toàn thực hành nghề và quy định về quyền lợi cho người bệnh.
Rào cản tiếp theo đến từ nhận thức của bệnh nhân và của chính đội ngũ nhân sự y tế truyền thống trong việc cởi mở về vai trò của việc ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ sàng lọc, tiếp cận, chẩn đoán bệnh từ xa một cách chủ động và hiệu quả.
Trong năm nay, Med247 đề ra kế hoạch mở rộng hệ thống phòng khám tiện lợi thông minh tại Nam Định, Thanh Hoá và TP HCM. Trong vòng 5 năm tới, Med247 hy vọng sẽ trở thành thương hiệu y tế gia đình thông minh, uy tín và chất lượng với các gia đình thế hệ mới.
Trong bốn đại diện của Việt Nam còn có Hoozing, Lozi và Logivan. Trong đó, Hoozing là ứng cung cấp đánh giá của người dùng, công cụ tính giá và các tùy chọn thanh toán kỹ thuật số để tăng tốc độ cho thuê và bán bất động sản. CEO Hải Lê cho biết, dù đại dịch xảy ra nhưng Hoozing vẫn đạt doanh thu khoảng 1,1 triệu USD vào năm 2020. Startup thành lập từ năm 2015 dự kiện có lãi vào cuối năm với doanh thu 2 triệu USD.
Về phía Lozi, CEO công ty cho biết, đội ngũ rất vui khi được Forbes Asia công nhận, nhưng nói thêm: "Những gì chúng tôi đã làm chỉ mới đạt 1% những gì chúng tôi mong muốn". Mới đây công ty đã huy động được 12 triệu USD từ các quỹ đầu tư, trong đó có sự hậu thuẫn của Alibaba.
Với số vốn huy động lớn và kế hoạch mở rộng mạnh mẽ, đại diện Lozi tự tin sẽ phát triển đúng hướng. Theo CEO này, nhiều công ty thường gặp vấn đề quản trị khi "bỗng nhiên giàu". Tuy nhiên, chiến lược phát triển của Lozi vẫn sẽ kiên định theo hướng tận dụng lực lượng tài xế hai bánh nhàn rỗi để phục vụ mọi nhu cầu giao nhận hằng ngày.
Đại diện cuối cùng là Logivan, startup thành lập từ năm 2017 để giải bài toán mạng lưới giao thông manh mún ở Việt Nam. Logivan cho phép các công ty xác định vị trí xe tải và đặt thuê trong thời gian ngắn. Startup này có hơn 60.000 tài xế đang làm việc cho Coca Cola, Olam và Wilmar. Đến nay công ty do CEO Linh Pham dẫn dắt đã huy động được khoảng 8 triệu USD từ Insignia Ventures Partners và K3 Ventures.
Các startup trong 100 to Watch được tạp chí Forbes Asia chọn từ hơn 900 doanh nghiệp dự thi. Các điều kiện để xem xét lựa chọn gồm startup phải có trụ sở chính tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có tuổi đời ít nhất một năm, thuộc sở hữu tư nhân, hoạt động vì lợi nhuận và tổng số vốn gọi được không quá 20 triệu USD tính đến ngày 1/8.
Ngoài ra, Forbes còn tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, quỹ đầu tư cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp ở các nước trong khu vực.