|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lốp xe phế thải: Mối nguy hiểm đang rình rập môi trường

07:23 | 08/11/2019
Chia sẻ
Màn đêm buông xuống tại ngôi làng Nabipur của Ấn Độ cũng là lúc các lò nung cao su đỏ lửa, với nguyên liệu là các loại lốp xe phế thải khiến không khí xung quanh đặc quánh khói bụi và đất đen.
Lốp xe phế thải: Mối nguy hiểm đang rình rập môi trường - Ảnh 1.

Sương mù dày đặc bao phủ thủ đô New Delhi, Ấn Độ, ngày 1/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Những ai lần đầu đến với Nabipur có lẽ sẽ không tin được nơi này từng là một làng nông nghiệp yên tĩnh ở miền Bắc Ấn Độ. Tuy nhiên, nơi đây giờ đã tồn tại ít nhất trên 10 lò nhiệt phân cao su phế thải để sản xuất dầu công nghiệp.

Trong 5 năm qua, hoạt động trao đổi lốp xe phế thải giữa các quốc gia đã tăng trưởng gần 200%, với điểm đến chủ yếu là các nước đang phát triển như Ấn Độ và Malaysia. Vương quốc Anh là nơi xuất khẩu nhiều nhất, theo sau là Italy và Mỹ, còn Ấn Độ là nước nhập khẩu nhiều nhất, chiếm đến 32% tổng lượng nhập khẩu lốp xe phế thải toàn cầu trong năm 2018.

Xử lý chất thải không bền vững

Trong quá trình vận chuyển, có rất nhiều lốp xe được gửi đến nơi tái chế theo cách thức tuân thủ các quy định về khí thải và xử lý chất thải. Tuy nhiên, cũng có những giao dịch diễn ra ngoài vòng pháp luật. Nguồn tin từ Reuters cho biết, những lò nhiệt phân cao su là một phần nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc do chất thải độc hại bị đổ xuống dòng sông thuộc thị trấn Pasir Gudang, bang Johor, miền Nam Malaysia.

Sử dụng các nguồn thông tin từ chuyên gia y tế và chính quyền địa phương, hãng Reuters đã ghi nhận một hoạt động thương mại quốc tế liên quan đến việc xử lý lốp xe phế thải đang gây ô nhiễm nghiêm trọng tại những nơi lưu trữ chúng.

Đối với nhiều nước phát triển, việc vận chuyển lốp xe phế thải ra nước ngoài sẽ rẻ hơn so với tái chế chúng trong nước. Điều này đã đẩy giá trị trao đổi quốc tế liên quan đến chất thải cao su lên mức gần 2 triệu tấn trong năm 2018, tương đương với 200 triệu lốp xe, từ con số chỉ 1,1 triệu tấn của năm 2013.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ này là do lốp xe cao su không được xếp vào nhóm “Nguy hiểm” theo Công ước Basel - công ước nhằm chi phối hoạt động thương mại của những chất thải nguy hiểm. Điều này có nghĩa là hiện tồn tại rất ít sự hạn chế giao dịch xuyên biên giới đối với loại sản phẩm này, trừ khi nó được quy định bởi một nước nhập khẩu.

Ở hầu hết các quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Mỹ, phần lớn lốp xe phế liệu được xử lý trong nước sau đó đổ vào bãi rác, tái chế hoặc sử dụng làm nhiên liệu trong các nhà máy sản xuất các sản phẩm như xi măng và giấy.

Những người ủng hộ nhiệt phân cho rằng quá trình này có thể là một cách xử lý tương đối sạch để biến phế thải thành nhiên liệu hữu ích. Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải và xử lý chất thải từ việc đốt được tạo thành từ nhiều loại hóa chất, cao su tổng hợp và tự nhiên rất tốn kém và khó kiếm được lợi nhuận trên quy mô lớn.

Những hậu quả nghiêm trọng

Thông tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết, tính đến tháng 7/ 2019, trong số 637 nhà máy nhiệt phân được cấp phép trên toàn quốc có đến 270 nhà máy không tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và 116 nhà máy đã ngừng hoạt động.

Các chuyên gia cho rằng hầu hết các nhà khai thác đã sử dụng thiết bị thô sơ, buộc những người công nhân phải tiếp xúc với các hạt carbon mịn, dẫn đến hiện tượng ô nhiễm bụi, dầu và không khí rò rỉ vào nhà máy cũng như môi trường xung quanh. 

Các nguồn tin trong ngành cho biết, hiện có hàng trăm doanh nghiệp nhiệt phân không có giấy phép đang hoạt động trên khắp Ấn Độ.

Tác động môi trường của hoạt động nhiệt phân ở những “điểm trũng” như Ấn Độ và Malaysia đang khiến một số nước xuất khẩu lốp xe phế thải phải chú ý. Australia, một nhà xuất khẩu lốp xe lớn sang khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, hồi tháng 8/2019 cho biết, họ sẽ cấm xuất khẩu chất thải, trong đó có cả lốp xe, song chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể.

Người phát ngôn của Trevor Evans, một quan chức giám sát việc giảm chất thải, cho hay Australia đã nhận thức được các cáo buộc về việc xử lý lốp xe thải theo cách không bền vững ở một số nước nhập khẩu.

Việc đốt lốp xe phế thải không kiểm soát có thể giải phóng nhiều hóa chất và khí độc hại vào môi trường, ông Lalit Dandona, người đứng đầu Tổ chức nghiên cứu về bệnh của Ấn Độ, cho biết. Theo ông Lalit Dandona, tác động ngắn hạn đối với những người tiếp xúc với khói trong quá trình nhiệt phân lốp xe cao su là kích ứng da và nhiễm trùng phổi. Việc tiếp xúc kéo dài có thể dẫn đến bệnh tim và ung thư phổi.

Các cơ quan chính phủ khác trên toàn thế giới, bao gồm Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cũng đưa ra kết luận tương tự. Trong một báo cáo năm 1997, EPA cho biết, khí thải từ việc đốt lốp xe bao gồm dioxin, oxit lưu huỳnh và các kim loại như thủy ngân và asen.

Hầu hết các nước châu Âu yêu cầu các nhà sản xuất và cung cấp lốp xe phải tổ chức thu gom và xử lý lốp phế thải, nghĩa là phải có nhiều hoạt động tái chế ở trong nước. Tuy nhiên, tại Anh - quốc gia xuất khẩu lốp xe phế thải hàng đầu thế giới không có yêu cầu như vậy. Điều này có nghĩa là các công ty nhỏ có thể dễ dàng có được giấy phép thu gom lốp xe phế thải và bán chúng ra nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh (DEFRA) cho biết, mặc dù họ đã thực hiện đầy đủ các quy tắc của Công ước Basel, song vẫn cần siết chặt hơn các quy định về lốp xe phế thải. DEFRA cho hay họ đã lên kế hoạch đưa ra những biện pháp nhằm buộc các nhà sản xuất phải có trách nhiệm hơn đối với các loại lốp xe cũ cũng như tăng cường giám sát các lô hàng.

Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất lốp xe ô tô Ấn Độ Vinay Vijayvargia ước tính rằng hầu hết các lốp xe phế thải nhập khẩu đều kết thúc ở các nhà máy nhiệt phân. Đối mặt với sự phản ứng ngày càng dữ dội từ các nhóm môi trường và cư dân sống gần các nhà máy nhiệt phân, New Delhi đang cân nhắc cấm tất cả các hoạt động nhiệt phân cao su, ngoại trừ những hoạt động được thiết kế đảm bảo không gây hại tới môi trường.

Phương Nga