Nguy cơ chết sớm do ô nhiễm không khí
Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo "Chất lượng không khí ở châu Âu" được Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) công bố hôm 16-10.
"Chúng ta nên lo lắng nhiều về bụi mịn PM2,5 được thải ra từ hệ thống sưởi trong nhà (như bếp lò đốt củi), công nghiệp và giao thông" - ông Alberto Gonzalez Ortiz, chuyên gia về chất lượng không khí của EEA, nhận định với tờ The Guardian (Anh).
Báo cáo này dựa trên dữ liệu được thu thập từ hàng ngàn trạm quan trắc khắp châu Âu. Theo EEA, khoảng 412.000 ca tử vong ở châu Âu liên quan đến PM2,5 trong năm 2016 - năm gần nhất có những dữ liệu liên quan.
Trong giai đoạn 2014-2017, nồng độ bụi mịn PM2,5 vẫn không thay đổi dù tình trạng ô nhiễm giảm từ năm 2000.
Các bác sĩ biểu tình ở thủ đô London - Anh nhằm báo động tình trạng tử vong do ô nhiễm không khí. Ảnh: PA
Trong khi đó, báo cáo của các nhà nghiên cứu đến từ thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc, được công bố trên tạp chí Nature Sustainbility (Anh), cảnh báo những ảnh hưởng tiêu cực của không khí ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai.
Nghiên cứu dựa trên phân tích các hồ sơ của hơn 250.000 phụ nữ mang thai sống ở thủ đô Trung Quốc trong giai đoạn 2009-2017.
Các nhà khoa học cũng phát hiện mối liên hệ trực tiếp giữa lượng chất hóa học độc hại trong không khí từ đốt nhiên liệu hóa thạch và số trường hợp bị sẩy thai không có dấu hiệu rõ ràng.
Ông Patrick O’Brien, một bác sĩ sản khoa tại Anh, nhận định với trang Independent rằng nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ sơ sinh ngay cả trước khi bé chào đời.