|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguyên nhân ô nhiễm không khí TP HCM chủ yếu từ 3 loại nguồn thải

23:12 | 09/10/2019
Chia sẻ
Ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở Sài Gòn đang vượt ngưỡng cho phép. Nguyên nhân chủ yếu từ 3 loại nguồn thải là hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và hoạt động xây dựng.

Nồng độ các chất ô nhiễm không khí và tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép

Ngày 9/10, tại TP HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường công bố thông tin về tình hình chất lượng môi trường không khí, nguyên nhân của hiện tượng mù quang hóa trong thời gian gần đây.

Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết kết quả quan trắc ô nhiễm không khí và tiếng ồn 9 tháng đầu năm 2019 cho biết ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP HCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và ô nhiễm tiếng ồn do các hoạt động giao thông gây ra.

Cụ thể, có 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc tại 19 vị trí giao thông vượt qui chuẩn cho phép.

Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt qui chuẩn.

Đặc biệt khu vực vòng xoay Mỹ Thủy có nồng độ các chất ô nhiễm (bụi lơ lửng) vượt 99%, mức độ ô nhiễm tiếng ồn vượt 100% ngưỡng cho phép.

"Nhìn chung, nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 30 vị trí quan trắc trong 9 tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2018", ông Sơn cho hay.

da975bae51c4b79aeed5

Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường đây là hiện tượng mù quang hóa diễn ra theo chu kì vào khoảng tháng 9, 10 hoặc tháng 1 hàng năm, kéo dài trong khoảng 6-7 ngày trong 5 năm gần đây.

Đáng chú ý, có sự tăng đột biến các chất ô nhiễm trong các ngày 18/9 đến 20/9 vừa qua, cao nhất là ngày 20/9 với mức tăng các chất ô nhiễm lần lượt là bui lơ lửng tăng 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần và nồng độ các chất ô nhiễm giữa thời điểm buổi sáng và buổi chiều không có sự chênh lệch cao.

Đáng chú ý các thông số bụi lơ lửng, bụi mịn PM10, PM 2.5 có tỉ lệ vượt chuẩn tăng cao với các mức lần lượt là 50%, 25% và 50%.

Cảnh báo chậm do công tác quan trắc thủ công

Ông Sơn cho biết nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ 3 nguồn gồm hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng.

Như vậy, tính đến nay đã 20 ngày kể từ ngày các chất ô nhiễm trong không khí tăng đột biến Sở Tài nguyên và Môi trường mới chính thức đưa ra cảnh báo đến người dân. Lí giải nguyên nhân, ông Sơn nói rằng: "Do công tác lấy mẫu, phân tích mẫu tại các trạm quan trắc thực hiện thủ công, gián đoạn và phải mất một thời gian mới cho ra kết quả.

Chưa kể, hiện tượng mù quang hóa năm 2019 không diễn ra theo qui luật mà diễn ra sớm hơn gần một tháng khiến cơ quan chức năng bị động".

Ngoài ra, liên quan đến độ tin cậy của các số liệu trên phần mềm Air Visual được người dần quan tâm thời gian qua, ông Cao Tung Sơn cho biết phía đơn vị chủ quản phần mềm chỉ công bố số liệu nhưng không công bố phương pháp quan trắc, trang thiết bị đang áp dụng nên rất khó để đánh giá về độ chuẩn xác.

"Qua tìm hiểu sơ bộ về phương pháp quan trắc của đơn vị chủ quản phần mềm này, tôi thấy độ sai số của phương pháp này khá cao do bị ảnh hưởng bởi độ ẩm, ánh sáng...Do đó, chưa có cở sở xác định độ tin cậy của phần mềm này", ông Sơn khẳng định.

d9a96a9060fa86a4dfeb

Toàn cảnh buổi công bố thông tin về tình hình chất lượng môi trường không khí diễn ra ngày 9/10 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục công bố các số liệu quan trắc môi trường, đặc biệt là môi trường không khí lên các bảng điện và các phương tiện thông tin đại chúng và răng cường tần suất công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường. Trong đó, đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và 1 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, di động.

Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ có thai trong các thời điểm xảy ra hiện tượng mù quang hóa nên chú ý một số hoạt động như hạn chế tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời. 

"Nếu có nhu cầu ra ngoài thì cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm, khi tham gia giao thông đặc biệt là trên các đường xa lộ, cao tốc người sử dụng phương tiện nên hạn chế tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, bật đèn sương mù… để đảm bảo an toàn giao thông", Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo.

Như Huỳnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.