|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lòng vòng đề án cơ cấu lại VNR

21:41 | 12/09/2019
Chia sẻ
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vẫn đang phấp phỏng chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt “Đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2017 - 2020”, dù liên tục trình, chỉnh sửa suốt 2 năm qua.
Lòng vòng đề án cơ cấu lại VNR - Ảnh 1.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vẫn đang phấp phỏng chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt "Đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2017 - 2020", dù liên tục trình, chỉnh sửa suốt 2 năm qua.

Điệp khúc “trình - sửa”

Cho đến thời điểm này, Đề án cơ cấu lại VNR giai đoạn 2017 - 2020 vẫn chưa được phê duyệt, một lãnh đạo VNR xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư vào đầu tuần này.

“Chúng tôi nghe thông tin là Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt Đề án trong tháng 9/2019”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Trước đó, vào giữa tháng 8/2019, tức là hơn 2 năm kể từ khi VNR lần đầu tiên trình bản Đề án cơ cấu lại lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), khi đó còn đóng vai trò bộ chủ quản, VNR đã phải gửi thẳng Đề án tới Thủ tướng Chính phủ.

Tại Văn bản số 2526/TTr - ĐS, VNR đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại VNR, nhằm tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Chiến lược đầu tư phát triển ngành đường sắt Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2050.

Đây là đề nghị khá bất ngờ, bởi việc phê duyệt Đề án này thuộc trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi cơ quan này tiếp nhận vai trò đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước từ Bộ GTVT. VNR cũng thừa nhận là thời điểm trình Thủ tướng, Đề án vẫn chưa nhận được ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Lòng vòng đề án cơ cấu lại VNR - Ảnh 2.

Trên thực tế, có thể thông cảm với sự sốt ruột với VNR, bởi bản đề án này là cơ sở pháp lý để “ông lớn” đường sắt sớm chỉnh sửa những khuyết tật trong cơ cấu bộ máy, tổ chức, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, giành lại thị phần vận tải vốn đã bị sa sút kéo dài suốt 5 - 6 năm trở lại đây.

Trong 2 năm qua, Đề án cơ cấu lại VNR đã có ít nhất 4 lần phải “dỡ ra làm lại” theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT. 

Trong đó, lần gần nhất VNR trình Bộ GTVT đề án này là cuối tháng 9/2018, sau khi Thường vụ Đảng ủy, HĐTV VNR tổ chức họp, phân tích và thống nhất hoàn thiện lại các nội dung theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT tại Thông báo số 460/TB - BGTVT ngày 6/9/2018.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT đã thực hiện bàn giao quyền chủ sở hữu của Bộ GTVT đối với VNR về Ủy ban từ tháng 10/2018. 

Do vậy, Đề án cơ cấu lại VNR giai đoạn 2017 - 2020 vẫn chưa được Bộ GTVT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ.

Đến tháng 3/2019, VNR tiếp tục có Tờ trình số 686/TTr-ĐS đề nghị cơ quan chủ quản phê duyệt Đề án cơ cấu lại VNR. Khác với những lần trình trước đây, đích đến mới của VNR là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chứ không còn là Bộ GTVT.

Lo lụt tiến độ

Được biết, nội dung quan trọng nhất trong Đề án cơ cấu lại VNR được đề cập trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính là việc sắp xếp lại 2 công ty vận tải ở Hà Nội và TP.HCM.

Cụ thể, VNR xin được tổ chức hợp nhất Công ty cổ phần (CTCP) Vận tải đường sắt Hà Nội và CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn thành 1 công ty cổ phần vận tải đường sắt.

Trước đó, trong Đề xuất tổ chức lại hoạt động vận tải gửi Bộ GTVT vào giữa năm 2017, VNR thừa nhận thất bại trong việc chuyển Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco, vốn điều lệ 800 tỷ đồng, VNR nắm 91,62%) và Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Sài Gòn (Saratrans, vốn điều lệ 503 tỷ đồng, VNR nắm 78,46%) thành các công ty cổ phần. 

Sau khi chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào đầu tháng 1/2016, kết quả kinh doanh của Haraco và Saratrans đều lao dốc cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, Haraco và Saratrans đang kinh doanh cả dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách trên cùng một tuyến đường sắt đơn, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh  giữa hai đơn vị. 

Có thời điểm, tại cùng 1 ga, 1 địa điểm kinh doanh, cả hai đơn vị đều bố trí lao động, thuê trụ sở, kho bãi…, làm tăng chi phí, phân tán nguồn lực, năng suất lao động thấp.

“Việc cơ cấu lại 2 công ty vận tải có thể chưa tạo ra sự thay đổi lớn về doanh thu do những nút thắt về hạ tầng, nhưng sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty”, lãnh đạo VNR cho biết.

Dự báo, sau cơ cấu lại, vận tải đường sắt sẽ phát triển theo hướng đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn trên chặng đường dài hoặc trung bình; vận tải hành khách cự ly trung bình. 

Tăng thị phần vận tải hàng hoá và vận tải hành khách đường sắt trên các hành lang vận tải chủ yếu. Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa chiếm khoảng 1 - 3%, vận tải hành khách khoảng 1 - 2% khối lượng vận tải toàn ngành.

Hiện chưa rõ những kiến nghị, chỉnh sửa Đề án của Bộ GTVT có được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu, ghi nhận hay không, nhưng ngay cả khi Đề án được phê duyệt trong tháng 9/2019, thì nguy cơ lụt tiến độ cơ cấu lại là rất lớn.

“Thay vì được quyền thực hiện trong 3 năm, lộ trình cơ cấu lại bị co ngót lại xuống chỉ còn 1/3, thực sự là một thách thức lớn đối với VNR do khối lượng thực hiện rất lớn”, một chuyên gia trong ngành đánh giá.

Anh Minh