|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

KQKD của TCT Đường sắt Việt Nam bất ngờ tốt nhất trong 4 năm

15:16 | 08/07/2019
Chia sẻ
Mặc dù ghi nhận khối lượng hành khách vận chuyển tiếp tục sụt giảm, nhưng VNR bất ngờ báo kết quả doanh thu, lợi nhuận cao nhất 4 năm trở lại đây.
1*fupxZ3WzegmMXHCX56V-jQ

Báo cáo của kết quả kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy tổng số hành khách vận chuyển trong năm 2018 tiếp tục sụt giảm. Khối lượng vận chuyển hành khách chỉ đạt 8,69 triệu người, giảm 9% so với năm trước đó, tương đương 830.000 lượt.

Còn nếu so với trước đó ba năm, khối lượng hành khách vận chuyển giảm 22%, tương đương 1,29 triệu lượt. Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 5,66 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm 2017.

vnr 2

BM tổng hợp

Tuy nhiên đáng chú ý là doanh thu của Tổng công ty đạt tới 8.252 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 18%; còn lợi nhuận trước thuế đạt 225 tỉ đồng, tăng trưởng 92%. Đây cũng chính là kết quả tốt nhất của VNR trong vòng 4 năm trở lại đây. Giá trị nộp ngân sách Nhà nước 900 tỉ đồng, tương đương năm ngoái. Ngoài ra, doanh thu từ sản phẩm dịch vụ công ích của VNR đạt 2.565 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 17%.

vnr 1

Doanh thu, lợi nhuận của VNR bất ngờ tốt nhất trong 4 năm (BM tổng hợp)

Trong báo cáo kết quả kinh doanh giai đoạn 3 năm 2016 – 2018, VNR cho biết đã có những sản phẩm mới tiệm cận dần với nhu cầu của khách hàng như ưu tiên giờ đẹp, hành trình chạy tàu hợp lý các khu đoạn ngắn có mật độ hành khách lớn thay vì chạy suốt Hà Nội – Sài Gòn. Công ty tập trung vào các đoàn tàu chất lượng cao, đa dạng hóa dịch vụ hành khách. Các sản phẩm mới như toa xe giường nằm khoang hai giường, dịch vụ trọn gói từ ga đến các điểm du lịch…

Về vận tải hàng hóa, VNR tập trung khai thác các nguồn hàng lớn tại các mỏ khoáng sản, cảng biển, nhà máy công nghiệp; hợp tác với các hiệp hội vận tải, các đơn vị kinh doanh dịch vụ logistics như Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Công ty dịch vụ vận tải và thương mại ITL… hợp tác đầu tư cảng ICD tại các ga đường sắt lớn như Sóng Thần, Yên Viên, Đông Anh…

Mục tiêu đến năm 2020 của VNR là thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt không liên quan trực tiếp đến chạy tàu như nhà ga, kho, bãi hàng… Với các khu ga ở các đô thị lớn như Hà Nội, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn… sẽ hợp tác đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng các khu kha kết hợp thương mại để phục vụ vận tải đường sắt, kinh doanh tổng hợp và đa dạng hóa dịch vụ (bao gồm hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại…).

VNR cho biết sẽ đầu tư nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, chú trọng vào kết nối với các cảng biển, cảng sông, cảng ICD, vận tải đa phương thức và vận tải logistics.

Công ty cũng sẽ thực hiện các giải pháp hóa đơn điện tử, tăng cường hợp tác đường sắt với các nước nhằm nâng cao khối lượng hàng vận chuyển từ Việt Nam sang các ga của đường sắt Trung Quốc, và các nước thứ ba, tham gia hợp tác logistics quốc tế…

Đông A