Quan hệ Tổng Cty Đường sắt với công ty khác không phải ‘bố - con’
Chủ tịch Đường sắt: 'Thu gọn bộ máy, cắt giảm trước tiên là cán bộ' |
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, năm 2018, VNR đã đạt nhiều kết quả kinh doanh ấn tượng, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh vận tải, đã tăng trưởng, vì có thời gian năm 2016 kết quả kinh doanh vận tải xuống rất thấp, và khó khăn tiếp nối các năm sau đó. “Hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt năm 2018 của đường sắt rất đáng hoan nghênh, đặc biệt trong bối cảnh những khó khăn về đầu máy, toa xe, hạ tầng… còn khó khăn truyền thống từ nhiều năm qua”, ông Đông nói. Cùng đó, công nghiệp đường sắt đã từng bước tự chủ được một phần.
Năm 2018, có 2 bước ngoặt lớn với đường sắt, là Luật Đường sắt sửa đổi có hiệu lực từ 1/1//2018, và chuyển VNR từ Bộ GTVT về Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Điều này đã tạo nhiều thay đổi trong mô hình hoạt động của VNR.
Việc chuyển giao tạo cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức cho VNR, đó là việc giải quyết quan hệ giữa tổng công ty và Uỷ ban Quản lý vốn cũng như Bộ GTVT, như chi phí duy tu bảo dưỡng do Bộ GTVT quản lý hay giao về đường sắt. Cùng đó, Uỷ ban quản lý vốn chỉ quản lý phần vốn nhà nước tại VNR, với giá trị khoảng 3.800 tỷ đồng, còn hạ tầng đường sắt vẫn thuộc quản lý của Bộ GTVT.
Thứ trưởng GTVT cũng lưu ý VNR về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp và toàn ngành, trong đó có việc cổ phần hoá các đơn vị, kiệm toàn đơn vị, phân tách các lĩnh vực như quản lý hạ tầng, bảo trì, với kinh doanh… để rạch ròi các chủ thể và trách nhiệm các bên. Đồng thời, phải rạch ròi mối quan hệ giữa Tổng Cty và đơn vị kinh doanh, giữa đơn vị quản lý hạ tầng và đơn vị kinh doanh vận tải phải là ‘đối tác’, không phải là quan hệ ‘bố - con’.
Về an toàn giao thông đường sắt, ông Đông biểu dương đường sắt đã giảm tai nạn cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, nổi lên một số tai nạn liên quan tới lỗi chủ quan, đã phải kỷ luật nhiều cán bộ của VNR và Cục Đường sắt. Việc xoá bỏ đường ngang, lối đi tự mở vẫn phải tiếp tục thực hiện…
Từ những phân tích trên, ông Đông kỳ vọng năm tới VNR sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra, như tăng trưởng kinh doanh 8%; góp ý hoàn thiện các văn bản pháp luật, phân tách rõ vai trò, trách nhiệm các bên; sử dụng hiệu quả 2.900 tỷ đồng chi phí bảo trì đường sắt trong năm 2019, và số đầu tư 7.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua gần đây…
Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh khẳng định, với sự quan tâm quả Đảng, Nhà nước, năm 2019, VNR sẽ phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, dù khó khăn còn nhiều. Với số vốn đầu tư nâng cấp đường sắt 7.000 tỷ đồng, theo ông Minh, dù còn một số vướng mắc do chuyển giao quản lý từ Bộ GTVT sang Uỷ ban quản lý vốn nhà nước, nhưng hy vọng có thể xong thủ tục để đầu tư từ năm nay.
“Dù đường sắt có thời gian trầm là giai đoạn 2015-2017, khi đường sắt sụt giảm chạm đáy, từ năm 2018 đã bắt đầu phục hồi, tăng trưởng, hy vọng sẽ tiếp đà đó trong năm 2019”, ông Minh nói.
Theo lãnh đạo VNR, khó khăn nhất của đường sắt không hẳn là vốn, cơ chế mà là tư duy của người đường sắt, với đường sắt phải là chủ đạo dù thị phần vận tải thấp so với các loại hình khác. Để đạt thành công, VNR xác định sẽ chuyển hướng phát triển thời gian tới, không chạy theo phục vụ số lượng khách mà nâng cao chất lượng phục vụ; thay đổi đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực vận tải; thay vì tập trung vào khai thác tàu khách đường dài sang các tuyến trung bình hiệu quả cao…
Theo báo cáo của VNR, năm 2018, sản lượng hợp nhất của tổng công ty đạt hơn 8.367 tỷ đồng (tăng 6,7% so với cùng kỳ), doanh thu đạt hơn 8.260 tỷ đồng (tăng 1,9%), thu nhập bình quân người lao động toàn tổng đạt hơn 8,46 triệu đồng/tháng (tăng 2,9%). Với công ty mẹ, tổng doanh thu đạt 2.636 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.472 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính hơn 148 tỷ đồng, thu nhâp khác hơn 5,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỷ đồng. Năm 2019, VNR đặt mục tiêu sản lượng tăng 8% so với năm 2018, doanh thu tăng từ 7% trở lên. |
Xem thêm |