|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Long An đưa ra giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo trong dân

15:19 | 03/03/2019
Chia sẻ
Tỉnh Long An đề xuất Chính phủ sớm có giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có sự liên kết chặt chẽ tránh tranh mua, tranh bán trên thị trường nội địa cũng như quốc tế.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, thực hiện chủ trương thu mua lúa, gạo tạm trữ của Chính phủ, giá lúa đã nhích lên từ 100-200 đồng/kg nhưng vẫn chưa đảm bảo vốn trong quá trình đầu tư sản xuất của nông dân.

Anh Lê Văn Kèn, trú tại xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa, cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm 2018-2019, gia đình anh sản xuất 3ha lúa với loại giống IR50404.

Sau khi thu hoạch, năng suất lại giảm hơn so với năm trước, chỉ đạt khoảng 5,5 tấn/ha, cộng với giá lúa thấp, chỉ 4.200 đồng/kg, nên vụ này anh lỗ khoảng 38 triệu đồng.

Còn anh Phạm Văn Hiệp, trú tại xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, cho hay, năm nay giống Nàng Hoa 9 chỉ bán được 5.500 đồng/kg, giảm khoảng 800 đồng; năng suất lúa năm nay cũng giảm, còn khoảng 5,2 tấn/ha, so với vụ Đông Xuân năm trước.

Như vậy, tính giá lúa giảm, năng suất thấp, mỗi ha lúa người nông dân lỗ từ 12-14 triệu đồng.

Không riêng trồng lúa, nông dân trồng nếp cũng chung cảnh bị thất mùa, rớt giá. Anh Nguyễn Văn Trọng, trú tại xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa sản xuất 2,5 ha nếp.

Sau thu hoạch, anh Trọng bán với giá 5.100-5.200 đồng/kg. Tuy vậy, so với những người nông dân khác, anh lỗ vốn ít hơn (khoảng 5 triệu đồng/ha).

Sở dĩ anh Trọng lỗ vốn ít vì các khâu như bón phân, bơm nước, rải thuốc trừ sâu, thuê máy thu hoạch đều do gia đình tự phục vụ. Theo thống kê, vụ Đông Xuân 2018-2019, tỉnh Long An gieo sạ 230.806 ha và dự kiến toàn tỉnh sẽ thu hoạch khoảng 80.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 450.000 tấn.

Diện tích lúa Đông Xuân còn lại, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 3/2019 với tổng sản lượng lúa Đông Xuân toàn vụ ước đạt 1.420.000 tấn.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho hay, hiện tình hình tiêu thụ lúa vụ Đông Xuân đang gặp nhiều khó khăn.

Một số doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu cánh đồng lớn không mua hết sản lượng lúa theo hợp đồng.

Số lượng thương lái tham gia thu mua lúa ít và chần chờ trong việc mua lúa của nông dân. Hiện tại, giá lúa tươi bán tại ruộng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lúa IR50404 từ 4.300-4.600 đồng/kg, giảm 600-1.000 đồng/kg; lúa OM các loại (OM 4900, OM 6976,…) từ 4.400-5.000 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg; nếp từ 5.000-5.200 đồng/kg, giảm 900 đồng/kg; lúa RVT 5.700-5.800 đ/kg, giảm 700-1.200 đồng/kg.

Cũng theo bà Đinh Thị Phương Khanh, hiện Long An có 20 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo trực tiếp và 4 chi nhánh công ty xuất khẩu gạo có kho, cơ sở xay xát đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 2 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ.

Hầu hết các doanh nghiệp xuất xuất gạo tiếp tục duy trì đầu tư vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm để tạo nguồn hàng ổn định, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu.

Trong 2018, Long An có 13 doanh nghiệp xuất khẩu gạo thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích hơn 24.000 ha, chủ yếu tại các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa…

Hiện vụ Đông Xuân tại tỉnh Long An đang vào vụ thu hoạch rộ, tuy nhiên đầu ra không ổn định. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu liên tục giảm từ đầu năm đến nay đã làm cho các doanh nghiệp chưa mạnh dạn thu mua gây ảnh hưởng lớn đến giá thu mua trong nước. Từ đó, dẫn đến giá lúa, gạo trong nước và xuất khẩu liên tục giảm trong nhiều tuần qua.

Theo ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công thương Long An, để tránh tình trạng lúa rớt giá, giảm thu nhập người nông dân, thời gian tới tỉnh tập trung đa dạng sản xuất các mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo cho nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Qua đó, từng bước giảm lúa Thu Đông và duy trì lúa 2 vụ chất lượng cao, chủ động thủy lợi để ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật cao; đồng thời, giảm giá thành sản xuất.

Ngoài ra, tỉnh phát triển các loại gạo an toàn, chất lượng cao, gạo hữu cơ hoặc đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười như gạo Huyết rồng theo cơ cấu luân canh lúa-màu, cho các thị trường đặc biệt.

Riêng về giải pháp trước mắt, tỉnh Long An sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp trong tỉnh tìm cách tháo gỡ khó khăn thu mua lúa cho nông dân. Ngoài ra, tỉnh đang đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố kịp thời danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên cây trồng phù hợp với quy định của các nước nhập khẩu hàng nông sản chủ yếu của Việt Nam.

Ngoài ra, tỉnh Long An cũng chỉ đạo các ngành liên quan hướng dẫn nông dân sản xuất, tạo ra các sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn trong nước, mà còn đáp ứng quy định của nước ngoài nhằm tạo thị trường đầu ra ổn định.

Đặc biệt, tỉnh cũng đề xuất Chính phủ sớm có giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có sự liên kết chặt chẽ tránh tranh mua, tranh bán trên thị trường nội địa cũng như quốc tế.

Cùng với đó, thường xuyên cập nhật thông tin về các chính sách, chủ trương sắp tới của thị trường Trung Quốc nhằm hạn chế rủi ro trong kinh doanh và xem xét không tăng lãi suất cho vay khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu….

Thanh Bình