|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận ròng Nhựa Bình Minh vượt Nhựa Tiền Phong trong quý III, biên lãi gộp lên cao nhất 8 quý

15:38 | 25/10/2022
Chia sẻ
Quý III, lợi nhuận ròng và biên lãi gộp của Nhựa Bình Minh vượt Nhựa Tiền Phong nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, trong khi đối thủ phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) cho thấy doanh thu thuần đạt 1.496 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái.

Công ty lãi ròng 175 tỷ đồng, so với mức lỗ ròng 26 tỷ đồng quý III/2021. Đây là kết quả lợi nhuận quý cao nhất của Nhựa Bình Minh kể từ quý IV/2016.

 Nguồn: BCTC quý III/2022 của BMP.

Một đối thủ của Nhựa Bình Minh trong lĩnh vực nhựa xây dựng là CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (Mã: NTP) cũng vừa công bố doanh thu thuần đạt hơn 1.321 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 83,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và tăng 8% so với cùng kỳ 2021. Xét về lợi nhuận sau thuế, Nhựa Bình Minh đã vượt Nhựa Tiền Phong sau 6 quý liên tiếp đứng sau.

Lợi nhuận ròng của Nhựa Bình Minh đã vượt Nhựa Tiền Phong sau 6 quý liên tiếp xếp sau. (Nguồn: BCTC quý của các doanh nghiệp). 

Nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp nhựa xây dựng có thị phần lớn tập trung ở miền Bắc. Nguyên liệu đầu vào của Nhựa Tiền Phong phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu nên sự biến động giá nguyên vật liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí vận tải đường biển từ ngước ngoài về Việt Nam tác động đến giá vốn của công ty. Quý vừa rồi, do giá vốn tăng 34%, cao hơn mức tăng của doanh thu thuần nên biên lãi gộp của công ty giảm 5,8 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái còn 19,5%.

Trong khi đó, hoạt động mạnh ở khu vực miền Nam, Nhựa Bình Minh chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào nhờ sự hỗ trợ của Tập đoàn Siam Cement Group (SCG Group) của Thái Lan, tập đoàn hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm vật liệu xây dựng, hóa chất và bao bì. Quý vừa rồi, biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh đã cải thiện từ 4% quý III/2021 lên 28%, cao nhất trong vòng 8 quý trở lại đây.

SCG Group đã hoàn tất thâu tóm Nhựa Bình Minh để làm công ty hạ nguồn trong chuỗi giá trị ngành nhựa của mình. Hiện SCG Group thông qua Nawaplastics Industries nắm 54,4% vốn điều lệ của Nhựa Bình Minh.

Trong khi biên lãi gộp quý III/2022 của Nhựa Tiền Phong giảm tốc, con số của Nhựa Bình Minh lại tăng trưởng 4 quý liên tiếp. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý của các doanh nghiệp).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Nhựa Bình Minh đạt 4.400 tỷ đồng, lãi ròng gần 448 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 348% so với cùng kỳ. Kết quả này đã giúp Nhựa Bình Minh hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận sau thuế và thực hiện 77% mục tiêu doanh thu năm 2022 sau 9 tháng.

Tính đến cuối quý III, quy mô tổng tài sản của Nhựa Bình Minh hơn 3.064 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, chiếm 41% là tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, hơn 1.255 tỷ đồng. Hàng tồn kho là 608 tỷ, các khoản phải thu ngắn hạn là 313 tỷ, lần lượt chiếm 20% và 10% tổng tài sản, không thay đổi nhiều so với đầu năm.

Nợ phải trả cuối kỳ là 435 tỷ đồng, trong đó công ty chỉ đi vay ngắn hạn 55 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 2.628 tỷ, bao gồm 1.157 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển, 606 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Minh Hằng