Lợi nhuận quý II một ngân hàng giảm 94% trong quý II/2023
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - Mã: ABB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm mạnh gần 94% so với cùng kỳ năm trước chỉ còn 67 tỷ đồng trong khi con số quý II/2022 là hơn 1.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh lợi nhuận trong kỳ là các nguồn thu chính ghi nhận sụt giảm cộng với việc tăng chi phí dự phòng rủi ro gấp 4 lần so với cùng kỳ (từ 174 tỷ đồng lên gần 698 tỷ đồng).
Theo đó, thu nhập lãi thuần quý II giảm 20,4% mang về hơn 776 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 51,3% mang về hơn 236 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 71,3% chỉ còn hơn 62 tỷ đồng.
Tuy vậy, một số mảng vẫn có sự tăng trưởng như mảng dịch vụ với lãi thuần tăng 78,6% đạt gần 155 tỷ đồng. Các hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh thoát lỗ và mang về lần lượt 81 tỷ đồng và 4,7 tỷ đồng trong quý.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ABBank đạt gần 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước, mới thực hiện được 24% so với kế hoạch lợi nhuận cả năm (2.826 tỷ đồng).
Ngân hàng cho biết việc nợ xấu tăng dẫn tới ngân hàng phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Số dư nợ xấu(nhóm 3 đến nhóm 5) của ABBank tăng 61,5% so với cuối năm trước lên 3.820 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,88% cuối năm 2022 lên 4,55%. Tuy vậy, báo cáo của ABBank có ghi chú rằng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank ở mức 2,86%, theo hướng dẫn của NHNN tại Thông tư 11.
Trong 6 tháng đầu năm, ABBank cũng đã trích 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước (216 tỷ đồng).
Mặc dù kết quả lợi nhuận không đạt như kỳ vọng nhưng tổng tài sản của ngân hàng ghi nhận tăng trưởng hơn 18% đạt 154.447 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng khiêm tốn 2,5% đạt 84.020 tỷ đồng.
Số dư tiền gửi của khách hàng tăng 4% đạt 87.482 tỷ đồng.Ngân hàng cho biết mức tăng trưởng đến chủ yếu từ phân khúc khách hàng cá nhân (KHCN), giúp tỷ trọng huy động bán lẻ tăng từ 60% lên 70%. Số lượng KHCN cũng được mở rộng đáng kể, tăng 56% so với cùng kỳ 2022.
Trước ABBank, nhiều ngân hàng cũng đã công bố lợi nhuận quý II sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, những nguyên nhân được đưa ra là khó khăn chung của nền kinh tế khiến tăng trưởng dư nợ thấp, chi phí dự phòng rủi ro tăng khi nợ xấu tăng, ăn mòn vào lợi nhuận.