Lợi nhuận Habeco thấp nhất gần 4 năm
Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN), doanh thu quý đầu năm tăng hơn 10% lên gần 1.320 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn, công ty lãi gộp gần 267 tỷ đồng, tăng 8,5%.
Tuy nhiên, Habeco lại lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với cùng kỳ. Sau ba quý kinh doanh khởi sắc, công ty lỗ trở lại với mức nhiều nhất kể từ quý I/2020.
Lợi nhuận âm đến từ việc Bia Hà Nội tăng đầu tư cho công tác thị trường. Ba tháng đầu năm, chi phí bán hàng tăng 13%, lên hơn 230 tỷ đồng. Công ty chi trên 34 tỷ cho chi phí nhân viên bán hàng, nhiều hơn 6 tỷ so với cùng kỳ. Tốn kém nhất nằm ở chi phí quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ, gần 105 tỷ đồng, tăng 30 tỷ. Đây cũng là con số lớn nhất trong tất cả chi phí hoạt động kinh doanh của Habeco.
Ngoài ra, việc sụt giảm doanh thu tài chính cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hãng bia phía Bắc. Trong kỳ, BHN ghi nhận gần 38 tỷ đồng ở khoản mục này, thấp hơn 16% so với cùng kỳ do mặt bằng lãi suất huy động giảm. Công ty đang gửi tại ngân hàng khoảng 3.464 tỷ đồng.
Bia Hà Nội phải chi đậm cho quảng cáo và khuyến mãi trong bối cảnh các động thái quản lý nằm giảm tác hại bia, rượu của Nhà nước rất gắt gao. Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành bia giảm 11% doanh thu, và 23% lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 do chính sách kiểm soát nồng độ cồn tại Nghị định 100. Ngoài ra, lĩnh vực này còn chịu ảnh hưởng bởi người dân thắt chặt chi tiêu, giá nguyên vật liệu tăng và mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng căng thẳng.
Một công ty con của Habeco là Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD) báo lỗ hơn 1 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. HAD cho biết đây là hệ quả của tỷ giá USD tăng khi mua nguyên vật liệu, tiêu thụ giảm do thời tiết và tác động của Nghị định 100.
Dự báo thị trường còn nhiều tiêu cực, năm nay Habeco đặt kế hoạch doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính khoảng 6.543 tỷ đồng và lãi sau thuế 202 tỷ đồng, đều thấp hơn kết quả thực hiện năm trước. Với kết quả quý I, công ty còn cách xa mục tiêu lợi nhuận kể trên.
Tương tự, trong phiên họp thường niên mới đây, lãnh đạo Bia Sài Gòn (Sabeco - SAB) cho rằng người dân vẫn thắt chặt chi tiêu trong khi chi phí đầu vào ở mức cao, Nghị định 100 được dự đoán tiếp tục kìm hãm sự phục hồi của ngành bia. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó có rượu, bia dự báo tiếp tục là một sức ép không nhỏ đến các doanh nghiệp trong ngành.
Quý đầu năm, Sabeco ghi nhận lợi nhuận gần 1.024 tỷ đồng do tình hình kinh doanh của các công ty liên doanh, liên kết không thuận lợi.