Ngành bia tìm lối ra trên kênh bán online
Trong bữa tiệc tân niên đầu năm do công ty tổ chức, Nguyễn Hưng - một nhân viên truyền thông tại Hà Nội, chỉ uống nước lọc. Hưng từ chối mọi lời mời uống bia với lý do “còn lái xe". Hưng cho biết từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, anh đã hạn chế tối đa các cuộc nhậu ngoài quán.
Trong khi đó, Đinh Hiệp - một nhân viên IT thuộc thế hệ GenZ, cho biết thích uống lai rai với bạn bè nhưng không muốn đến quán nhậu vì quá ồn ào. Hiệp thường chọn cách mua đồ uống về nhà hơn ra quán.
Thực tế, năm qua các ông lớn ngành bia rượu đều chứng kiến doanh thu sụt giảm.
Chẳng hạn, Sabeco báo cáo doanh thu năm 2023 giảm gần 13% về dưới mức 30.500 tỷ đồng. Nếu bỏ qua giai đoạn 2020-2021 bởi đại địch, doanh số của hãng bia này rơi về mức thấp nhất từ năm 2016.
Habeco cũng trong tình trạng tương tự. Doanh thu năm ngoái giảm 8% về dưới mốc 7.800 tỷ đồng, là con số thấp nhất kể từ năm 2015 nếu loại trừ giai đoạn COVID-19.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quy định thổi nồng độ cồn khi tham gia giao thông, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và giá thuê mặt bằng tăng cao ảnh hưởng tới kênh bán trực tiếp.
Trong bối cảnh ngành đồ uống có cồn đang loay hoay tìm lối ra cho bài toán tăng doanh thu thì báo cáo thương mại điện tử mới đây do YouNet ECI thực hiện lại cho thấy một “ánh sáng cuối đường hầm".
Theo báo cáo, riêng trên sàn Shopee - nền tảng thương mại điện tử có thị phần lớn nhất Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm ngoái, doanh thu ngành bia tăng 154% so với nửa đầu năm, từ gần 35 tỷ đồng lên gần 89 tỷ đồng.
Tính chung trên các sàn thương mại điện tử phổ biến, nhóm hàng đồ uống có cồn tăng 12% trong nửa cuối năm ngoái so với đầu năm, bất chấp việc 6 tháng đầu năm 2023 là thời điểm diễn ra kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - vốn là cao điểm của thị trường bia rượu.
Trong đó, riêng các doanh nghiệp bia kinh doanh trên các sàn đạt tổng doanh thu 351 tỷ đồng trong năm 2023. Con số này tuy còn rất khiêm tốn so với tổng dung lượng thị trường bia nhưng quan trọng là mức tăng trưởng doanh thu 12% trong nửa cuối năm so với nửa đầu.
“Trong lúc nhiều đơn vị lớn trong ngành bia như Sabeco và Habeco giảm doanh thu 8% đến 13% so với năm trước, thương mại điện tử nổi lên như một kênh mới, mang lại tiềm năng tăng trưởng cao”, nhà phân tích từ YouNet ECI cho hay.
Lý giải sức mua đồ uống có cồn tăng cao trên thương mại điện tử, ông Nguyễn Phương Lâm - Trưởng bộ phận Phân tích tại YouNet ECI, chỉ ra ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất là nỗ lực tìm ra kênh tăng trưởng bù số cho kênh truyền thống của nhiều nhãn hàng bia mùa cuối năm. Các nhãn hàng này đã đẩy mạnh hơn hoạt động quảng bá, khuyến mãi trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là trên Shopee Mall.
Chẳng hạn như Sabeco chỉ mới mở gian hàng Shopee Mall hồi tháng 11/2023 nhưng nhờ chiến lược khuyến mãi dồn dập, doanh thu online của nhãn hàng này đã tăng 9,5% trong vòng một tháng. Sabeco lọt vào top 5 nhãn hàng bia bán chạy nhất trên thương mại điện tử năm ngoái, theo YouNet ECI.
“Người tiêu dùng ngày nay quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm khi mua sắm. Họ muốn mua từ các shop chính hãng vì nỗi lo hàng giả hoặc hàng quá hạn. Đây là tín hiệu cho các nhãn hàng đẩy mạnh shop chính hãng ở trên sàn thương mại điện tử vì dữ liệu cho thấy người tiêu dùng đang rất tin tưởng lựa chọn mua sắm từ các kênh này”, ông Lâm nói.
Thứ hai là các chương trình khuyến mãi lớn của sàn, của nhãn hàng trên sàn đang tạo lực hấp dẫn cho người tiêu dùng. Dữ liệu cho thấy trung bình trong các tuần có sự kiện siêu sale trên các sàn (10/10, 11/11, 12/12,… ) ngành hàng bia thu về 8,1 tỷ đồng /tuần - cao hơn 35% so với các tuần bình thường, không có sự kiện.
Như vậy, các sự kiện siêu sale trên sàn vẫn đang là một yếu tố kích cầu tốt đối với người tiêu dùng, đặc biệt trong thời kỳ thắt lưng buộc, giảm chi tiêu hiện nay.
Và yếu tố thứ ba được ông Lâm chỉ ra là sự quen thuộc của đối tượng khách hàng Gen Z, Gen Y với thương mại điện tử.
Đối với những nhóm đối tượng này thì nhanh chóng và tiện lợi sẽ là những nhu cầu thiết yếu. Đặc trưng của thương mại điện tử là có thể đáp ứng được những nhu cầu này với những dịch vụ thanh toán không tiền mặt và giao hàng nhanh.
Ngoài ra, Gen Z cho thấy họ sẽ hơi khó để trung thành với lại một nhãn hàng mà sẽ có xu hướng chuyển đổi thường xuyên. Dữ liệu cho biết có đến hơn 500 nhãn hàng bia rượu các loại đang được đăng bán ở trên các sàn thương mại điện tử, trong khi trung bình một siêu thị truyền thống chỉ có khoảng 60 nhãn hàng thì có nghĩa là danh mục sản phẩm ở trên sàn đa dạng hơn rất nhiều.
“Bằng chứng là nếu như chúng ta nhìn vào những dòng sản phẩm bia bán chạy nhất ở trên thương mại điện tử thì sẽ thấy có sự xuất hiện trong top của Tiger Crystal, Heineken Silver hoặc là Chill Cocktail là những dòng sản phẩm nhắm đến nhóm khách hàng Millennial hoặc Gen Z”, ông Lâm chia sẻ.