Bloomberg: Người Việt giảm uống bia, dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế
"Kinh tế Việt Nam khó khăn cũng tác động đến một khía cạnh ít ai nghĩ đến – thói quen uống bia của người Việt”, Bloomberg viết trong bài đăng mới đây.
Phạm Thùy Trang, một thợ làm tóc 48 tuổi ở TP HCM cho biết đã thuyết phục chồng uống bia ít đi để tiết kiệm cho những nhu cầu thiết yếu hơn như thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và đóng tiền điện. “Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng nên gia đình chúng tôi nghiêm túc cắt giảm những khoản chi không cần thiết”, bà nói với Bloomberg.
Mặc dù lạm phát vẫn tương đối thấp khoảng 3%, nhưng nền kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn, người dân có ý thức chi tiêu tiết kiệm hơn.
Trước khi tăng trở lại trong tháng 9, xuất khẩu đã giảm trong 6 tháng liên tiếp - dài nhất kể từ năm 2009 trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu giảm và kinh tế Trung Quốc phục hồi không như kỳ vọng.
Tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam đạt 5,33% - cao hơn mức 4,05% của quý II. Tuy nhiên mục tiêu tăng trưởng 6,5% vẫn gặp nhiều thách thức.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 4,7%.
Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tiêu thụ bia và xếp thứ 9 toàn cầu. Vì vậy, việc các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu sẽ ảnh hưởng nhất định đến ngành sản xuất bia trong nước và cả các thương hiệu nước ngoài.
Theo Bloomberg, việc người Việt uống bia ít hơn đã ngay lập tức tác động tới những thương hiệu lớn. Heineken có trụ sở tại Amsterdam và là nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam đã hạ dự báo doanh thu năm 2023. Công ty cho biết hơn một nửa mức giảm tiêu thụ của hãng trong nửa đầu năm đến từ thị trường Việt Nam và Nigeria.
Giám đốc điều hành Dolf van den Brink cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: “Chúng tôi gặp phải sự sụt giảm khá mạnh tại thị trường trọng điểm Việt Nam”. Công ty bia này đang có kế hoạch đầu tư thêm từ 500 triệu đến 1 tỷ USD vào Việt Nam, nơi hãng đang vận hành 6 nhà máy.
Các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng lợi nhuận sẽ chậm lại tại Thai Beverage Pcl, công ty đã mua lại nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam - Tập đoàn Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn. Trong khi doanh thu của Sabeco giảm 11% trong nửa đầu năm tài chính, Lisa Lee, chuyên gia phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence nhận định rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu vẫn tiếp tục chậm trong thời gian còn lại của năm và đến năm 2024.
Habeco, công ty bia lớn thứ hai cả nước do Carlsberg AS nắm giữ một phần sở hữu ghi nhận doanh thu quý II giảm 2,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 8% so với cùng kỳ.
“Ngành công nghiệp đồ uống của Việt Nam hiện đang trong giai đoạn rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu – Nước giải khát Việt Nam nói với Bloomberg.
Trong khi đó, ông Đỗ Tấn Thành, 41 tuổi, tài xế taxi ở TP HCM cho biết trước đây đi uống bia với bạn bè khoảng 10 lần một tháng, nhưng bây giờ giảm xuống còn 4 - 5 lần.
“Vợ tôi còn muốn tôi chuyển sang mua bia ở cửa hàng tạp hóa và mang về nhà uống cùng bạn bè để tiết kiệm hơn”, ông nói thêm.