|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nikkei: Triển vọng hồi phục kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức

08:02 | 02/10/2023
Chia sẻ
Ngành dịch vụ tăng tốc góp phần đáng kể giúp tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam đạt 5,33%. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều thách thức.

Nikkei Asia mới đây đánh giá kinh tế Việt Nam tăng tốc so với quý trước nhờ sự phục hồi của ngành dịch vụ.

"Kinh tế trong quý III được thúc đẩy chủ yếu nhờ ngành bán lẻ và du lịch. Ước tính ngành này chiếm khoảng 40% GDP của Việt Nam.    

Du khách quay trở lại các điểm đến nổi tiếng như thành phố Đà Nẵng, với lượng khách nước ngoài từ tháng 7 đến tháng 8 đạt 2,25 triệu, đã vượt mốc 1,27 triệu của tháng 7 đến tháng 9 năm ngoái.  

Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy lĩnh vực sản xuất đang phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp hàng tháng chuyển biến tích cực trong tháng 5 và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 5 liên tiếp trong tháng 9", Nikkei Asia cho hay.   

Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so với tháng trước và so với cùng kỳ. (Ảnh: WiChart).

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự phục hồi còn mờ nhạt. Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Chứng khoán MB nói với Nikkei Asia: "Tăng trưởng GDP quý III thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi. Các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ phục hồi chậm hơn so với dự kiến". Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam từ 5,3% xuống khoảng 4,9 - 5%".

Triển vọng kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là chưa chắc chắn.  

Ông Phạm Quang Anh, CEO của Công ty May mặc Dony cho biết với Nikkei Asia rằng tình hình hiện tại vẫn “tiêu cực” khi các nhà xuất khẩu phải đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ nhu cầu yếu ở các thị trường truyền thống như châu Âu và Mỹ.

“Nhiều công ty may mặc đang đứng trước nguy cơ đóng cửa trước cuối năm nếu không tìm được thị trường xuất khẩu thay thế", ông nói và cho biết thêm rằng công ty của ông đang tìm kiếm những khách hàng mới từ Trung Đông và Đông Nam Á nhằm duy trì hoạt động.

Trong khi đó, một quan chức ngành thép dự báo "không kỳ vọng nhu cầu phục hồi trong năm 2023". Bên cạnh đó, một nhà phát triển bất động sản cho biết "đã thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất trong quý II nhờ lãi suất cho vay thế chấp thấp hơn”.  

Anh Pham, chuyên gia kinh tế độc lập, chỉ ra rằng động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam là xuất khẩu và khu vực dịch vụ.

Ông khuyến nghị Việt Nam nên điều chỉnh thêm chính sách thị thực để thuận lợi hơn trong việc thu hút nhiều khách quốc tế như từ EU và Mỹ.  

 

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng yêu cầu đạt mức tăng trưởng GDP 6% cho cả năm 2023. Theo kịch bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra, để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đạt mức tăng trưởng 10,6% trong quý IV.      

Bộ KH&ĐT cho rằng tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ngoài ra, sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.   

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 xuống 5,8%, so với mức 6,5% trước đó.  

OECD đưa ra mức dự báo 4,9%, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng đưa ra dự báo 4,7%.          

Anh Đào