|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hơn 118.000 lao động mất việc trong quý III, giảm mạnh so với quý II

08:00 | 01/10/2023
Chia sẻ
Số lao động mất việc trong quý III tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày. Bình Dương và TP HCM là hai địa phương có nhiều lao động mất việc nhất cả nước.

Báo cáo tình hình lao động quý III, Tổng cục Thống kê cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý III là khoảng 54.200 người, giảm 187.300 người so với quý trước.

Trong đó chiếm đa số là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 66,3% tổng số lao động nghỉ giãn việc), chủ yếu ở ngành da giày (chiếm 31,9%), tiếp theo là dệt may (chiếm 30,9%).  

Số lao động bị mất việc trong quý III là 118.400  người, giảm 99.400 người so với quý trước (tương đương mức giảm gần 84%). Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày và chủ yếu tập trung ở hai tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương (khoảng 33.600 người) và TP HCM (khoảng 34.600) người).  

Trước đó trong quý II, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước là khoảng 241.500 người. Số lao động bị mất việc là 217.800 người.  

 

Về lao động thất nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết do đặc trưng của thị trường lao động Việt Nam có tỷ lệ phi chính thức cao nên mặc dù có một số doanh nghiệp cắt giảm hoặc giãn, hoãn lao động nhưng thất nghiệp chung biến động không nhiều so với quý trước.  

Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 khoảng 1,08 triệu người, tăng 6.300 người so với quý trước và tăng 22.100 người so với cùng kỳ năm trước.  

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 là 2,3%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.  

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới 3% (quý III năm 2022 là 2,79%, quý I năm 2023 là 2,66% và quý II năm 2023 là 2,75% và quý III năm 2023 là 2,78%).  

 

 Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Một số địa phương mới đây cũng cập nhật về tình hình lao động trên địa bàn. Hôm 29/9, Cục Thống kê Đồng Nai cho hay trong quý III tỉnh có hơn 1.000 lao động bị mất việc, thôi việc và gần 8.300 người nghỉ giãn việc. So với các tháng đầu năm, đến nay, tình trạng thiếu việc làm trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt.

Do kinh tế khó khăn, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn trên thế giới sụt giảm, từ cuối năm 2022, hàng loạt doanh nghiệp ở Đồng Nai thiếu đơn hàng, phải giảm quy mô sản xuất, cho công nhân nghỉ việc, cắt giảm giờ làm.    

Riêng quý I/2023, toàn tỉnh có gần 33.000 lao động bị mất việc và hơn 35.000 lao động nghỉ giãn việc. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tại Đồng Nai có gần 39.500 lao động mất việc và hơn 51.000 lao động nghỉ giãn việc.

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, lao động mất việc làm giảm là do những tháng gần đây, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có dấu hiệu khởi sắc.   

Dự báo, quý IV/2023 việc xuất khẩu hàng dệt may, giày da tiếp tục khởi sắc do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm tăng cao.   

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang triển khai xây dựng thêm nhà máy, mở rộng quy mô sản xuất tại Đồng Nai như: Công ty Hyosung Việt Nam, Công ty giày Dona Standard, Công ty Longwell. Thời gian tới, nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh sẽ tăng và tình trạng thiếu việc làm được cải thiện.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 30/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết lượng lao động tại các khu công nghiệp tại Bắc Giang những tháng qua có thêm khoảng 50.000 người, không những bù đắp được số sụt giảm trước đó mà còn tăng lên nhiều.  

Ngoài ra, năng lực sản xuất được mở rộng với nhiều nhà máy mới trên địa bàn đi vào hoạt động, trong đó nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc đã khánh thành ngày 16/9.

 

Anh Đào

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.